TRAO ĐỔI CHUYÊN ĐỀ “KIẾN THỨC KINH TẾ QUỐC TẾ VỚI CHUYÊN ĐỀ KINH TẾ SỐ VÀ THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ VIỆT NAM”

Ngày 13/10/2023, trong chuỗi bài giảng và hoạt động kết nối với chuyên gia trong khuôn khổ Khóa đào tạo về Kinh tế và Kinh tế quốc tế cho giảng viên khối ngoại ngữ do Khoa Kinh tế Quốc tế trường Đại học Ngoại thương tổ chức, Khoa Kinh tế Quốc tế phối hợp với Cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh tổ chức có chủ đề “Kiến thức kinh tế quốc tế với chuyên đề kinh tế số và thực tiễn phát triển kinh tế số Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm của các giảng viên đến từ nhiều khoa, bộ môn, từ ngoại ngữ, kinh tế cho đến luật, khoa học…

Buổi chuyên đề có sự tham gia trình bày của hai diễn giả là ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings và ông Trần Lê Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech VBA. Buổi chuyên đề có sự hiện diện của PGS, TS Hoàng Xuân Bình – Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, PGS.TS. Trần Quốc Trung – Phó Giám đốc FTU Cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Trần Quốc Trung – Phó Giám đốc FTU Cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh xác định việc đào tạo, nâng cao năng lực, bồi dưỡng viên chức và giảng viên luôn là nhiệm vụ trọng tâm của FTU, nhằm phục vụ công tác giảng dạy của các giảng viên và xa hơn nữa là ứng dụng kiến thức về blockchain vào việc quản lý, giải quyết các vấn đề pháp lý trong ngành kinh tế nói chung.

Đại diện đơn vị chuyên môn, PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế cũng nhận định: “Kiến thức về kinh tế số, kinh tế xanh là điều mà tất cả giảng viên cần nắm bắt trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng là lý do Khoa Kinh tế Quốc tế triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên đề kinh tế số, kinh tế xanh cho giảng viên, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu. Khi nhắc đến những nền kinh tế mới thì blockchain là một lĩnh vực, một cơ sở hạ tầng công nghệ không thể bỏ qua tại thời điểm này”.

Chương trình bồi dưỡng kiến thức mở đầu với phần trình bày của ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA về “Bức tranh toàn cảnh ngành blockchain” cùng những vấn đề pháp lý liên quan. Trong đó, các nội dung quan trọng bao gồm cách định nghĩa các khái niệm tài sản số, tài sản ảo và tầm quan trọng của chúng trong việc phát triển nền kinh tế số, tầm quan trọng của Luật Phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh ngành blockchain chưa có những khuôn khổ pháp lý cụ thể và kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia kinh tế luật để góp phần xây dựng nền kinh tế số hoàn thiện hơn.

Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến công nghệ blockchain được gói gọn trong hai phần về “Ví điện tử” và “Các thành phần của Blockchain”, do ông Trần Lê Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech VBA chia sẻ. Ông Hưng cung cấp các thông tin thiết thực về cách nhận diện các loại ví điện tử, so sánh sự khác biệt về lưu trữ dữ liệu và quy trình xác minh khách hàng giữa môi trường Web2 và Web3, giữa tài chính truyền thống và tài chính phi tập trung, từ đó giúp các giảng viên đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau có thể nắm rõ về khía cạnh kỹ thuật trong kinh tế số.

Trong phần hỏi đáp, các giảng viên FTU Cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự quan tâm đến triển vọng đào tạo nhân lực blockchain ngay tại Trường Đại học. Theo đó, các diễn giả VBA khẳng định hoàn toàn có thể thành lập các câu lạc bộ sinh viên về blockchain, thuộc quản lý của nhà trường, khuyến khích nhiều khoa tham gia và các chuyên gia VBA có thể đóng góp dưới cương vị cố vấn chuyên môn, tổ chức các buổi tọa đàm, đào tạo hướng đến sinh viên và giảng viên trường.

Một số hình ảnh tại buổi trao đổi

Các quý vị đại biểu, diễn giả khách mời và các thầy cô tham gia buổi trao đổi chuyên đề

PGS, TS Trần Quốc Trung – Phó Giám đốc cơ sở 2 TP. HCM phát biểu tại buổi trao đổi

PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế phát biểu tại buổi trao đổi

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings trình bày tham luận

Ông Trần Lê Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech VBA

PGS, TS Trần Quốc Trung – Phó Giám đốc cơ sở 2 TP. HCM tặng quà hai diễn giả