Ngày 15/03/2024, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh” tại phòng hội thảo A901, Trường Đại học Ngoại thương nhằm trình bày và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại huyện Bình Liêu, từ đó làm căn cứ để đánh giá tác động chuyển đổi số lên nguồn nhân lực của huyện và đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình của huyện. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH & CN cấp tỉnh “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình trưởng Khoa KTQT, trường ĐHNT làm chủ nhiệm.
Về phía đại diện chính quyền huyện Bình Liêu và các xã/thị trấn thuộc huyện, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo UBND huyện và UBND các xã thuộc huyện.
Về phía đại diện các bộ ban ngành, viện trường nghiên cứu là thành viên của nhiệm vụ, tọa đàm có sự tham gia trực tiếp của ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam và trực tuyến của PGS, TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Giáo dục Trường học trực tuyến (Onschool); Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Trí Cường; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương.
Về phía Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, tọa đàm có sự tham gia của PGS TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, chủ nhiệm đề tài, chủ tọa tọa đàm; PGS TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế; TS Lương Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế.
Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài trường cùng các thầy cô là thành viên của nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế đặc biệt tại các huyện biên giới có thương mại biên mậu. PGS, TS Hoàng Xuân Bình đặc biệt đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo huyện đối với hoạt động chuyển đổi số, định hướng phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số cũng như việc đầu tư hiệu quả cho cơ sở hạ tầng trong đó có cơ sở công nghệ thông tin của huyện Bình Liêu. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cũng bày tỏ sự cảm kích của nhóm thành viên nhiệm vụ khi được chính quyền huyện ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình trong đợt khảo sát tại địa phương vào cuối năm 2023.
Trong nội dung tham luận, TS Phạm Xuân Trường thành viên của nhiệm vụ đã trình bày về hoạt động khảo sát cũng như kết quả sơ bộ của đợt khảo sát tại huyện Bình Liêu. Tổng quan cho thấy tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm vừa qua như cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, huyện về cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương, là huyện miền núi đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh những thành tựu, về nguồn nhân lực huyện vẫn còn một số hạn chế như tỷ trọng lao động hoạt động trong nông nghiệp còn cao với năng suất thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao (7,7%) do phần lớn dân số là người dân tộc thiểu số. Kết quả sơ bộ của khảo sát cũng cho thấy, tuy là một huyện miền núi nhưng người dân đã có nhận thức tốt về chuyển đổi số, mức độ ứng dụng chuyển đổi số để hoàn thành công việc ở mức khá. Trong hầu hết các tiêu chí đánh giá về tác động của chuyển đổi số cũng như khả năng tận dụng chuyển đổi số cho công việc và cuộc sống hàng ngày thì thị trấn Bình Liêu luôn cao hơn các xã khác trong huyện. Dựa trên tình hình thực tế, nhóm nghiên cứu đề xuất huyện đầu tư trọng điểm cho thị trấn trong việc phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi số, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các xã trong huyện. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, huyện có thể cử đi đào tạo các chuyên viên chuyên sâu về công nghệ thông tin nói chung chuyển đổi số nói riêng để triển khai một cách có hiệu quả hoạt động phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Ngoài ra, huyện có thể tận dụng các nguồn lực bên ngoài như các công ty công nghệ, công ty giáo dục đào tạo để cùng phối hợp thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số.
Kết thúc phần trình bày tham luận, các diễn giả, khách mời đã trao đổi rất sôi nổi về thực trạng nguồn nhân lực tại huyện Bình Liêu cũng như các giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại huyện trong bối cảnh chuyển đổi số. Bà Hoàng Thị Nghị, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Liêu chia sẻ những khó khăn liên quan chuyển đổi số tại địa phương trong đó có nhấn mạnh đến khó khăn về vốn đầu tư và quá trình đào tạo hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số, đặc biệt ở những khu phố xa trung tâm. Ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam trong phần thảo luận bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ các xã trong huyện kết nối vào mạng lưới nền tảng số quốc gia do công ty xây dựng, từ đó người dân có cơ hội được đào tạo và áp dụng các kỹ năng số thường xuyên, dần hình thành nền kinh tế số, văn hóa số tại địa phương. Tổng kết phần thảo luận, PGS, TS Hoàng Xuân Bình đánh giá những ý kiến đóng góp của các vị khách mời là những gợi mở quý báu cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm nhiệm vụ, đặc biệt là mô hình đào tạo một cách hiệu quả và gắn sát với thực tiễn.
Tọa đàm kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách mời, nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Các quý vị đại biểu, khách mời, thành viên nhiệm vụ tham gia trực tiếp tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm
TS Phạm Xuân Trường, thành viên nhóm nghiên cứu trình bày tham luận
PGS, TS Hoàng Xuân Bình điều phối phiên thảo luận
Bà Hoàng Thị Nghị, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Liêu phát biểu trong
phiên thảo luận
Ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam phát biểu trong phiên thảo luận