TỔNG KẾT TỌA ĐÀM “TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TỚI NGUỒN NHÂN LỰC TẠI HUYỆN HẢI HÀ, TỈNH QUẢNG NINH”

Ngày 17/04/2024, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại Huyện Hải Hà, Tỉnh Quảng Ninh” tại phòng hội thảo A901, Trường Đại học Ngoại thương  (ĐHNT) nhằm trình bày và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại huyện Hải Hà, từ đó làm căn cứ để đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình của huyện trong bối cảnh chuyển đổi số. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình trưởng Khoa Kinh tế quốc tế (KTQT), trường ĐHNT làm chủ nhiệm.

Về phía đại diện chính quyền huyện Hải Hà và các xã/phường thuộc huyện, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo UBND huyện và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện.

Về phía đại diện các bộ ban ngành, viện trường nghiên cứu là thành viên của nhiệm vụ, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của PGS, TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam; Ông Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Giáo dục Trường học trực tuyến (Onschool); Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Trí Cường; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương.

Về phía các khoa, đơn vị trong trường ĐHNT, tọa đàm có sự tham gia của TS Hoàng Thị Hòa, Trưởng Khoa Tiếng anh chuyên ngành; TS Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên. Về phía Khoa KTQT, trường ĐHNT, đơn vị chuyên môn phụ trách tọa đàm, tọa đàm có sự tham gia của PGS TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm đề tài, chủ tọa tọa đàm; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó trưởng Khoa KTQT.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài trường cùng các thầy cô là thành viên của nhiệm vụ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh vai trò của nhân tố chuyển đổi số trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực hiện nay. Nhằm hướng tới một nền kinh tế xã, xã hội số vào năm 2030 theo định hướng của Đảng, Nhà nước và chính phủ, nguồn nhân lực cần phải được đào tạo và bổ sung những tư duy, kỹ năng mới. Trong bối cảnh đó, huyện Hải Hà với định hướng tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu gắn với phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh như logistic, du lịch rất cần nguồn nhân lực với những kỹ năng, kiến thức phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số. PGS, TS Hoàng Xuân Bình hy vọng thông qua tọa đàm, các diễn giả, chuyên gia và nhà nghiên cứu có thể đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại huyện Hải Hà.

Trong nội dung tham luận, TS Phạm Xuân Trường thành viên của nhiệm vụ đã trình bày về hoạt động khảo sát cũng như kết quả sơ bộ của đợt khảo sát tại huyện Hải Hà liên quan đến tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực. Tổng quan cho thấy tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Hải Hà đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm vừa qua như cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, huyện về cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương, huyện cũng đã xây dựng được hai khu kinh tế trọng điểm đó là khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Bên cạnh những thành tựu kinh tế nói chung, về nguồn nhân lực huyện vẫn còn một số hạn chế như tỷ trọng người lao động của huyện làm việc ngay tại khu công nghiệp của huyện còn thấp, thiếu lao động trình độ cao để phát triển các ngành dịch vụ (chẳng hạn như phát triển ngành du lịch rất có tiềm năng của huyện). Kết quả sơ bộ của khảo sát cũng cho thấy, tuy là một huyện biên giới nhưng người dân đã có nhận thức tốt về chuyển đổi số, mức độ ứng dụng chuyển đổi số để hoàn thành công việc ở mức khá. Các tiêu chí đánh giá tác động của chuyển đổi số lên nguồn nhân lực như mức độ dễ dàng thực hiện công việc hàng ngày, nhu cầu học hỏi thêm kỹ năng mới, chuyển đổi số tạo ra cơ hội việc làm mới, mức độ hoàn thành công việc trong bối cảnh chuyển đổi số đều ở mức khá (từ 3 đến 4) theo thang đo Likert 5 cấp độ. Tuy chênh lệch không nhiều, tuy nhiên kết quả của 11 đơn vị hành chính cấp xã của huyện về mức độ tác động của chuyển đổi số lên nguồn nhân lực có thể chia thành hai nhóm tại mỗi tiêu chí. Trong đó, nhóm có tác động chuyển đổi số cao hơn gồm các xã Quảng Chính, Quảng Minh và thị trấn Quảng Hà, nhóm thứ hai có tác động chuyển đổi số thấp hơn bao gồm tám xã còn lại. Đây là một điểm đáng chú ý mà nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục xem xét để tìm ra nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này từ đó đưa ra những gợi ý chính sách tương thích với từng xã. Kết quả về mức độ tác động tổng thể của chuyển đổi số lên công việc của người dân tại các xã, thị trấn thuộc huyện Hải Hà cũng ở mức khá, dao động từ 3,6 đến 3,8.

Kết thúc phần trình bày tham luận, các diễn giả, khách mời đã trao đổi rất sôi nổi về tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại huyện Hải Hà cũng như các giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại huyện trong bối cảnh chuyển đổi số. Ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam cho rằng chuyển đổi số là một quá trình được thực hiện một cách liên tục trong đó nhận thức của người dân là cực kỳ quan trọng. Các cấp chính quyền cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp cần chỉ rõ cho người dân chuyển đổi số ở bước đầu tiên là làm những gì, có lợi ích ra sao với họ và làm thế nào để có được những kỹ năng chuyển đổi số cơ bản. Ngoài ra, ông Nguyễn Nghĩa Vượng cũng nhấn mạnh vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc phổ biến và hướng dẫn những kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số cơ bản ở phạm vi quốc gia và địa phương nói riêng. Ông đề xuất cần phải đầu tư tập huấn cũng như phải có nguồn kinh phí để duy trì của nhân tố cốt lõi này trong các hoạt động chuyển đổi số tại địa phương. PGS, TS Hoàng Xuân Bình chủ tọa tọa đàm bày tỏ sự nhất trí với những ý kiến của ông Nguyễn Nghĩa Vượng, đồng thời cho rằng chính quyền các địa phương nên chú ý hợp tác với các công ty công nghệ và cơ sở đào tạo trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số.

Tọa đàm kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách mời, nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia.

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:

Các quý vị đại biểu, khách mời, thành viên nhiệm vụ tham gia trực tiếp tọa đàm

PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm

TS Phạm Xuân Trường, thành viên nhóm nghiên cứu trình bày tham luận

PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT chủ nhiệm nhiệm vụ chủ trì phiên thảo luận của Tọa đàm

Ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam trao đổi tại phiên thảo luận của Tọa đàm