TỔNG KẾT TỌA ĐÀM “TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TỚI NGUỒN NHÂN LỰC TẠI HUYỆN BÌNH LIÊU, TỈNH QUẢNG NINH”

Ngày 03/05/2024, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh” tại phòng hội thảo H303, Trường Đại học Ngoại thương  (ĐHNT) nhằm trình bày và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại huyện Bình Liêu, từ đó làm căn cứ để đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình của huyện trong bối cảnh chuyển đổi số. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình trưởng Khoa Kinh tế quốc tế (KTQT), trường ĐHNT làm chủ nhiệm.

Về phía đại diện chính quyền huyện Bình Liêu và các xã/phường thuộc huyện, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo UBND huyện và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện.

Về phía đại diện các bộ ban ngành, viện trường nghiên cứu là thành viên của nhiệm vụ, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của PGS, TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam; Ông Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Giáo dục Trường học trực tuyến (Onschool); Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Trí Cường; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương.

Về phía các khoa, đơn vị trong trường ĐHNT, tọa đàm có sự tham gia của TS Hoàng Thị Hòa, Trưởng Khoa Tiếng anh chuyên ngành; TS Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên. Về phía Khoa KTQT, trường ĐHNT, đơn vị chuyên môn phụ trách tọa đàm, tọa đàm có sự tham gia của PGS TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ, chủ tọa tọa đàm; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó trưởng Khoa KTQT; TS Lương Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng Khoa TKQT; TS Phạm Xuân Trường, diễn giả, thư ký khoa học của nhiệm vụ.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài trường cùng các thầy cô là thành viên của nhiệm vụ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh vai trò của nhân tố chuyển đổi số trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực hiện nay. Nhằm hướng tới một nền kinh tế số, xã hội số vào năm 2030 theo định hướng của Đảng, Nhà nước và chính phủ, nguồn nhân lực cần phải được đào tạo và bổ sung những tư duy, kỹ năng mới. Trong bối cảnh đó, huyện Bình Liêu với định hướng tiếp tục mở rộng các khu thương mại biên giới hiện hữu gắn với phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh như logistic, du lịch rất cần nguồn nhân lực với những kỹ năng, kiến thức phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số. Với sự đa dạng về lĩnh vực hoạt động của các thành viên đề tài từ viện nghiên cứu, cơ quan ban hành chính sách, doanh nghiệp công nghệ, PGS, TS Hoàng Xuân Bình hy vọng thông qua tọa đàm, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất được những chính sách phù hợp và hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực tại địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số.

Trong nội dung tham luận, TS Phạm Xuân Trường thành viên của nhiệm vụ đã trình bày về hoạt động khảo sát cũng như kết quả sơ bộ của đợt khảo sát tại huyện Bình Liêu liên quan đến tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực. Tổng quan cho thấy tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm vừa qua như cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, huyện về cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương, huyện cũng đã và đang tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đông Văn, cùng với những địa điểm du lịch nổi tiếng như sống lưng khủng long, bảng làng cổ. Bên cạnh những thành tựu kinh tế nói chung, về nguồn nhân lực huyện vẫn còn một số hạn chế như thiếu lao động trình độ cao để phát triển các ngành dịch vụ (chẳng hạn như phát triển ngành du lịch rất có tiềm năng của huyện), tỷ lệ lao động qua đào tạo cơ bản thấp so với hai huyên/thành phố biên giới khác của tỉnh Quảng Ninh là Hải Hà và thành phố Móng Cái. Kết quả sơ bộ của khảo sát cũng cho thấy, tuy là một huyện biên giới với đại đa số là người dân tộc nhưng người dân đã có nhận thức khá về chuyển đổi số, mức độ ứng dụng chuyển đổi số để hoàn thành công việc ở mức trung bình khá. Các tiêu chí đánh giá tác động của chuyển đổi số lên nguồn nhân lực như mức độ dễ dàng thực hiện công việc hàng ngày, nhu cầu học hỏi thêm kỹ năng mới, chuyển đổi số tạo ra cơ hội việc làm mới, mức độ hoàn thành công việc trong bối cảnh chuyển đổi số đều ở mức trung bình khá (từ 2.5 đến 3.5) theo thang đo Likert 5 cấp độ. Tuy chênh lệch không nhiều, kết quả của 07 đơn vị hành chính cấp xã của huyện về mức độ tác động của chuyển đổi số lên nguồn nhân lực có thể chia thành hai nhóm tại mỗi tiêu chí. Trong đó, đơn vị hành chính cấp xã có tác động chuyển đổi số cao nhất là thị trấn Bình Liêu, nhóm thứ hai có tác động chuyển đổi số thấp hơn bao gồm sáu xã còn lại. Đây là một điều dễ hiểu bởi thị trấn Bình Liêu là trung tâm kinh tế của huyện có đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh hơn các xã còn lại, chất lượng nguồn nhân lực cũng khá hơn. Trong các nhân tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số, nhân tố thể chế và nhân tố công nghệ chiếm hai vị trí cao nhất tại tất cả các đơn vị hành chính cấp xã, trong đó so sánh giữa các xã/thị trấn với nhau thì thị trấn Bình Liêu cho thấy rõ ràng nhất tác động của tất cả các nhân tố.

Kết thúc phần trình bày tham luận, các diễn giả, khách mời đã trao đổi rất sôi nổi về tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại huyện Bình Liêu cũng như các giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại huyện trong bối cảnh chuyển đổi số. PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó trưởng Khoa KTQT gợi ý một số nhân tố liên quan đến vị trí địa lý như có ở gần trung tâm huyện hay không, đường biên giới có dài hay không, có đường cao tốc đi qua hay không cũng có thể có tác động đến phát triển nguồn nhân lực của địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số để nhóm nghiên cứu tìm hiểu thêm. Ngoài ra để cho rõ ràng, nhóm nghiên cứu cần chỉ rõ trong nội dung báo cáo đâu là nguồn số liệu sơ cấp, đâu là nguồn số liệu thứ cấp. TS Lương Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng Khoa KTQT nhất trí với ý kiến của PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh đồng thời bổ sung gợi ý về mô hình đánh giá tác động hai chiều cũng như các cách thức phân tách tác động của các nhân tố ảnh hưởng lên nguồn nhân lực. PGS, TS Hoàng Xuân Bình chủ tọa tọa đàm bày tỏ sự nhất trí với những ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định nhóm sẽ sớm triển khai một mô hình đào tạo và hỗ trợ người dân thực hành các kiến thức về số tại một xã thí điểm thuộc huyện trong thời gian sớm nhất, từ đó sẽ tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn địa phương.

Tọa đàm kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách mời, nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia.

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:

Các quý vị đại biểu, khách mời, thành viên nhiệm vụ tham gia trực tiếp tọa đàm

PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm

TS Phạm Xuân Trường, thành viên nhóm nghiên cứu trình bày tham luận

PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT chủ nhiệm nhiệm vụ chủ trì phiên thảo luận của Tọa đàm