Ngày 20/06/2024, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại 3 huyện/thành biên giới tỉnh Quảng Ninh” tại phòng hội thảo A901, Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) nhằm trình bày và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại 3 huyện thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, từ đó làm căn cứ để đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình của các địa phương kể trên trong bối cảnh chuyển đổi số. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình trưởng Khoa Kinh tế quốc tế (KTQT), trường ĐHNT làm chủ nhiệm.
Về phía chính quyền, sở ban ngành tỉnh Quảng Ninh, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của đại diện huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà, thành phố Móng Cái, Sở KH&CN, Sở LĐTB&XH, Sở NN&PTNT, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở TT&TT và Trường ĐH Hạ Long.
Về phía đại diện các bộ ban ngành trung ương, viện trường nghiên cứu là thành viên của nhiệm vụ, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của PGS, TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phạm Quang Quyền, Học viện hành chính quốc gia; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương; Ông Nguyễn Nghĩa Vượng, Giám đốc Công ty CP tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam; Ông Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Giáo dục Trường học trực tuyến (Onschool) và sự tham gia trực tiếp của Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Trí Cường;
Về phía các khoa, đơn vị trong trường ĐHNT, tọa đàm có sự tham gia của TS Hoàng Thị Hòa, Trưởng Khoa Tiếng anh chuyên ngành; TS Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên. Về phía Khoa KTQT, trường ĐHNT, đơn vị chuyên môn phụ trách tọa đàm, tọa đàm có sự tham gia của PGS TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ, chủ tọa tọa đàm; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó trưởng Khoa KTQT; TS Phạm Xuân Trường, diễn giả, thư ký khoa học của nhiệm vụ.
Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài trường cùng các thầy cô là thành viên của nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh vai trò của nhân tố chuyển đổi số trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực hiện nay, đặc biệt tại các địa phương có đường biên giới với các khu kinh tế mở sắp được hình thành. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ tập trung phân tích đánh giá tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại 3 huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái là 3 huyện thành phố biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tọa đàm mang tính đối sánh tổng kết tiếp nối chuỗi các tọa đàm đánh giá tác động chuyển đổi số riêng cho từng địa phương trước đó, từ đó tìm ra sự khác biệt về nguồn nhân lực giữa các địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số. PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh tuy có những đặc điểm chung vì cùng thuộc một tỉnh, nhưng mức độ phát triển kinh tế, vị trí địa lý, cơ cấu kinh tế của mỗi huyện thành phố ít nhiều có sự khác nhau và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những khác biệt của tác động chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại từng địa phương. Kết thúc bài phát biểu, PGS, TS Hoàng Xuân Bình hy vọng thông qua tọa đàm, nhóm đề tài sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thành chất lượng các sản phẩm khoa học của nhiệm vụ.
Trong nội dung tham luận, TS Phạm Xuân Trường thành viên của nhiệm vụ đã trình bày về hoạt động khảo sát cũng như kết quả sơ bộ của đợt khảo sát tại 3 huyện thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh liên quan đến tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại 3 địa phương. Kết quả cho thấy, tại mỗi địa phương ở cấp độ đơn vị hành chính cấp xã, mặc dù chênh lệch không nhiều nhưng đã có phân chia thành hai nhóm. Trong đó nhóm đầu là đơn vị hành chính cấp xã trung tâm của huyện như thị trấn hoặc các phường tại thành phố, nơi có tác động chuyển đổi số tới người lao động rõ rệt hơn. Cụ thể tại huyện Bình Liêu, thị trấn Bình Liêu; tại huyện Hải Hà thị trấn Quảng Hà và tại thành phố Móng Cái nhóm các phường đều có điểm đánh giá cao hơn so với các xã còn lại trong huyện, thành phố ở các tiêu chí đánh giá tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực như mức độ dễ dàng thực hiện các công việc hàng ngày, nhu cầu cần thiết học thêm kỹ năng mới trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi số tạo ra việc làm mới, mức độ hoàn thành công việc trong bối cảnh chuyển đổi số và tác động chung của chuyển đổi số tới công việc. Mức điểm bình quân khi tổng kết theo huyện, thành phố cũng cho thấy, tương ứng với trình độ phát triển kinh tế, tác động chuyển đổi số tới nguồn nhân lực mà cụ thể ở đây là người lao động ở thành phố Móng Cái là cao nhất tại tất cả các tiêu chí trình bày ở trên, sau đó đến huyện Hải Hà và cuối cùng là huyện Bình Liêu. Ngoài ra khi xem xét các nhân tố tác động đến ảnh hưởng của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại 3 huyện, kết quả là đồng nhất khi nhân tố thể chế và công nghệ có tác động nhiều nhất tại 3 địa phương, theo sau là nhân tố xã hội và cuối cùng là nhân tố kinh tế. TS Phạm Xuân Trường cho rằng kết quả này phù hợp với thực tế triển khai chuyển đổi số tại địa phương khi chuyển đổi số đang được thực hiện ở những bước rất cơ bản do đó đòi hỏi sự hỗ trợ hiệu quả từ chính quyền cũng như sự đầu tư bài bản cơ sở hạ tầng công nghệ ban đầu. Sau khi hoàn thành quá trình chuyển đổi số cơ bản, ở những giai đoạn phát triển tiếp theo để hình thành công dân số, xã hội số tại các địa phương này thì các nhân tố xã hội và kinh tế có thể sẽ dần gia tăng ảnh hưởng.
Kết thúc phần trình bày tham luận, các diễn giả, khách mời đã trao đổi rất sôi nổi về tác động của chuyển đổi số tới nguồn nhân lực tại 3 huyện, thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh cũng như các giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại các địa phương này trong bối cảnh chuyển đổi số. PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh cho rằng nhóm nên thông tin chi tiết hơn về nhóm đối tượng phỏng vấn, đặc biệt là thông tin về nhân khẩu như dân tộc, giới tính, thành viên trong gia đình có người đi làm ngoại tỉnh hay không… để từ đó có thêm các lý giải liên quan đến tác động khác nhau của chuyển đổi số lên nguồn nhân lực ở các địa phương khác nhau. TS Lý Hoàng Phú gợi ý nhóm đề tài nên làm rõ đối tượng nghiên cứu là nguồn nhân lực nói chung hay phát triển nguồn nhân lực để từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp. PGS, TS Hoàng Xuân Bình chủ tọa tọa đàm bày tỏ sự nhất trí với những ý kiến đóng góp của các đại biểu và khẳng định nhóm sẽ sớm triển khai một mô hình đào tạo và hỗ trợ người dân thực hành các kiến thức về số tại một đơn vị hành chính cấp xã thí điểm thuộc các huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh trong thời gian sớm nhất, từ đó sẽ tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn địa phương.
Tọa đàm kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách mời, nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Các đại biểu tham gia tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm
TS Phạm Xuân Trường trình bày tham luận tại tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình điều hành phiên thảo luận
Khách mời đặt câu hỏi trong phiên thảo luận