Vào ngày 12/3/2025, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Mô hình áp dụng giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số ở một xã/phường tại huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” tại phòng hội thảo A901, Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) nhằm trình bày và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về mô hình áp dụng giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc 03 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, từ đó làm căn cứ để đưa ra mô hình áp dụng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số phù hợp với tình hình của địa phương. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế (KTQT), trường ĐHNT làm chủ nhiệm.
Về phía chính quyền, sở ban ngành tỉnh Quảng Ninh, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của đại diện Sở KH&CN, Sở LĐTB&XH, Sở NN&PTNT, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở TT&TT, UBND huyện Bình Liêu, UBND huyện Hải Hà và UBND thành phố Móng Cái.
Về phía các đơn vị ngoài trường, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của của PGS, TS Bùi Văn Huyền, viện trưởng viện kinh tế, học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ tịch tập đoàn giáo dục Trí Cường; Ông Nguyễn Tùng Lâm, giám đốc công ty trường học trực tuyến, Onschool; Ông Nguyễn Nghĩa Vương, chủ tịch kiêm giám đốc công ty cổ phần công nghệ kỹ thuật số Vibook; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, vụ thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ công thương; Bà Nguyễn Ngọc Hân, tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT. Về phía trường ĐHNT, tọa đàm có sự tham gia trực tiếp của PGS TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó Trưởng Khoa KTQT; TS Lương thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa KTQT; TS Hoàng Thị Hòa, Trưởng Khoa Tiếng Anh chuyên ngành; TS Hoàng Tuấn Dũng, giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh viên; TS Phạm Xuân Trường, thư ký khoa học nhiệm vụ, diễn giả trình bày tham luận tại tọa đàm. Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài trường cùng các thầy cô là thành viên của nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình cho biết đây là tọa đàm cuối cùng nằm trong chuỗi các tọa đàm về giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại khu vực biên giới nhằm hoàn thiện mô hình áp dụng cho khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt trong thời điểm có những quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khung năng lực số của người học cũng như các chủ trương chính sách mới mang tính đột phá của Đảng, Nhà nước về đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Trong bối cảnh chuẩn bị sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên toàn quốc, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh đối tượng đơn vị hành chính cấp xã của mô hình vẫn phù hợp tuy nhiên sẽ được nhóm điều chỉnh về quy mô trong những phân tích sau này. Thông qua tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để giúp nhóm hoàn thiện tốt hơn nữa mô hình áp dụng giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số dành riêng cho đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh.
Trong nội dung tham luận, TS Phạm Xuân Trường thư ký nhiệm vụ đã trình bày nghiên cứu trình bày báo cáo về “Mô hình áp dụng giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và ở các đơn vị hành chính cấp xã/phường các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh”.Trước hết, TS Phạm Xuân Trường trình bày ba căn cứ mà nhóm dựa trên để xây dựng hệ thống giải pháp, thứ nhất là kết quả tính toán bộ tiêu chí các nhân tố thúc đẩy, cản trở phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số dựa trên khảo sát tại 35 đơn vị hành chính cấp xã tại 3 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, thứ hai là các chủ trương, chính sách của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số và cuối cùng là thông tư 02/2025/TT-BGDĐT về Quy định khung năng lực số cho người học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dựa trên các căn cứ nêu trên, nhóm nhiệm vụ đề xuất bên cạnh trọng tâm là các giải pháp liên quan đến đào tạo, tập huấn các kiến thức kỹ năng số thì địa phương cũng cần tập trung vào hai nhóm giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nhiều nhất nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số đó là giải pháp về hạ tầng số và thể chế. Dựa trên số liệu khảo sát, nội dung của đào tạo, tập huấn sẽ tập trung vào 3 nhóm kiến thức đó là khai thác dữ liệu và thông tin; giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; an toàn trong môi trường số. Trong giai đoạn đầu, các đối tượng sẽ được tập huấn 3 nhóm kiến thức trên ở mức cơ bản, trong giai đoạn tiếp theo, độ khó của nhóm kiến thức sẽ được nâng lên ở mức trung cấp đến nâng cao. Phương pháp đào tạo sẽ kết hợp giữa giáo dục trực quan và thực hành tại chỗ.
Về đối tượng thực hiện, nhóm nhiệm vụ đề xuất mô hình kết hợp 4 bên gồm đại diện cơ quan chuyên môn tại địa phương, các chuyên gia đến từ doanh nghiệp công nghệ, đại diện thành viên nhóm nhiệm vụ và tổ công nghệ số cộng đồng. Để các giải pháp có tính đặc định phù hợp với từng đơn vị hành chính cấp xã/phương, nhóm đề tài đã xây dựng bảng tổng kết đặc trưng của các địa phương gồm các tiêu chí về vị trí địa lý, nhân khẩu, sản phẩm truyền thống và lĩnh vực kinh tế có thế mạnh. Dựa trên các đặc điểm riêng của từng xã/phường, hệ thống giải pháp sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp. Về đối tượng thụ hưởng chính là đối tượng được đào tạo, tập huấn, mô hình dự kiến theo hướng đào tạo cố vấn và huấn luyện (mentoring and coaching) tập trung cho những đối tượng đã có hiểu biết nhất định về chuyển đổi số (cán bộ, đại diện đoàn thanh niên, doanh nghiệp), coi những người này là “hạt nhân tiên phong” để từ đó tiếp tục chia sẻ trong tổ chức, cộng đồng dưới sự hỗ trợ 24/7 của các chuyên gia, nhà khoa học.
Kết thúc phần trình bày tham luận, diễn giả, khách mời đã trao đổi rất sôi nổi về chủ đề của tọa đàm. TS Lý Hoàng Phú cho rằng trong báo cáo về mô hình áp dụng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số, nhóm nhiệm vụ nên sơ đồ hóa mô hình để đối tượng thực thi dễ theo dõi, triển khai. PGS, TS Hoàng Xuân Bình góp ý, mô hình áp dụng cần phải xét tới các yếu tố liên quan đến hạ tầng công nghệ và nhận thức của những đối tượng liên quan đến chuyển đổi số để đảm bảo các giải pháp được thực thi hiệu quả. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cũng nhấn mạnh, đào tạo tại chỗ và duy trì hoạt động phát triển nguồn nhân lực một cách liên tục sẽ là những yếu tố giúp cho mô hình áp dụng giải pháp thành công tại khu vực biên giới. Ngoài ra một số giải pháp liên quan đến công nghệ, thể chế nên dừng lại ở mức khuyến nghị do vấn đề phân quyền ở chính quyền cấp xã. Cuối cùng PGS, TS Hoàng Xuân Bình cảm ơn các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến hết sức quý báu dành cho nhóm nghiên cứu, từ đó giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa mô hình áp dụng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại một đơn vị hành chính cấp xã thí điểm ở 3 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh.
Tọa đàm kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách mời, nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Các đại biểu tham gia tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm
TS Phạm Xuân Trường trình bày tham luận tại tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình điều hành phiên thảo luận
Đại biểu tọa đàm tham gia phần thảo luận
PGS, TS Hoàng Xuân Bình tổng kết tọa đàm