HỘI THẢO KHOA HỌC “GÓP Ý VỀ ĐỀ CƯƠNG BỘ TÀI LIỆU TẬP HUẤN ÁP DỤNG MÔ HÌNH CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI XÃ/PHƯỜNG THUỘC 03 HUYỆN/THÀNH PHỐ BIÊN GIỚI TỈNH QUẢNG NINH”

Ngày 14/2/2025 trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh Quảng Ninh về “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế làm chủ nhiệm, Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng với Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Góp ý về đề cương bộ tài liệu tập huấn áp dụng mô hình các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại xã/phường thuộc 03 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh”. Hội thảo được tổ chức nhằm tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện chính quyền địa phương, sở ban ngành liên quan về đề cương bộ tài liệu tập huấn áp dụng mô hình các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại xã/phường thuộc 3 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, từ đó hoàn thiện nội dung bộ tài liệu góp phần thực hiệu quả mô hình giải pháp trên thực tế.

Về phía đại diện sở ban ngành và chính quyền tỉnh Quảng Ninh, hội thảo có sự tham gia trực tiếp của Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở KH&CN; Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó giám đốc Sở Thông tin & truyền thông (TT&TT), cùng với sự tham gia trực tuyến của đại diện các huyện Bình Liêu, Hải Hà, thành phố Móng Cái và sở ban ngành liên quan đến nhiệm vụ. Về phía các vị khách mời đến từ bộ ban ngành trung ương và các đơn vị cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ, hội thảo có sự tham gia trực tuyến của TS Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy Ban KHCN và Môi trường Quốc hội; PGS, TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phạm Quang Quyền, Trung tâm Công nghệ và Thư viện, Học viện hành chính quốc gia; Ông Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc Công ty CP công nghệ Giáo dục trường học trực tuyến Onschool và sự tham gia trực tiếp của Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Trí Cường (INDEC). Về phía các diễn giả, hội thảo có sự tham gia trực tuyến của Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương; Bà Lê Minh Anh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT. Về phía trường Đại học Ngoại thương, hội thảo có sự tham gia của PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, chủ nhiệm nhiệm vụ; TS Hoàng Thị Hòa, trưởng Khoa Tiếng Anh chuyên ngành, thành viên nhiệm vụ và TS Phạm Xuân Trường, thư ký khoa học nhiệm vụ. Hội thảo còn có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của các thành viên nhiệm vụ, thầy cô Trường Đại học Ngoại thương và các khách mời quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Hoàng Xuân Bình cho biết đề cương bộ tài liệu mô hình giải pháp dựa trên tính toán bộ chỉ số các nhân tố thúc đẩy, cản trở hoạt động phát triển nguồn nhân lực từ dữ liệu khảo sát, các chính sách chủ trương của tỉnh về phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số và khung năng lực số dành cho người học mới được ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.  PGS, TS Hoàng Xuân Bình hy vọng sẽ nhận được các ý kiến đóng góp quý báu tử các đại diện sở ban ngành và chính quyền địa phương tại 3 huyện/thành phố là đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ để tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu trước khi tiến hành triển khai trên thực tế. Nhân dịp này, PGS, TS Hoàng Xuân Bình cũng gửi lời cảm ơn đến Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ nhiệt tình nhóm nhiệm vụ trong quá trình tổ chức hội thảo.

Phát biểu đại diện cho sở ban ngành địa phương, Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực số trong bối cảnh hiện nay. Ông Phạm Hồng Thái đề nghị các thành viên tham gia hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, tham góp ý kiến nhằm hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn, từ đó làm cơ sở triển khai mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số tại các địa phương biên giới của tỉnh, gồm: Hải Hà, Bình Liêu và Móng Cái; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số của Tỉnh.

Mở đầu hội thảo, TS Phạm Xuân Trường trình bày báo cáo về “Đề cương bộ tài liệu tập huấn mô hình các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại xã/phường thuộc 3 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh”. Đề cương bộ tài liệu được nhóm nhiệm vụ xây dựng dựa trên ba căn cứ, thứ nhất là kết quả tính toán bộ tiêu chí các nhân tố thúc đẩy, cản trở phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số dựa trên khảo sát tại 35 đơn vị hành chính cấp xã tại 3 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, thứ hai là các chủ trương, chính sách của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số và cuối cùng là thông tư 02/2025/TT-BGDĐT về Quy định khung năng lực số cho người học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dựa trên các căn cứ nêu trên, nhóm nhiệm vụ đề xuất các giải pháp cần phải tập trung vào hai yếu tố là thể chế và công nghệ. Mỗi giải pháp được triển khai theo một khung nội dung bao gồm: tên giải pháp, nội dung giải pháp, đối tượng thực hiện, điều kiện thực hiện, các bước thực hiện. Về đối tượng thực hiện, nhóm nhiệm vụ đề xuất mô hình kết hợp 4 bên gồm đại diện cơ quan chuyên môn tại địa phương, các chuyên gia đến từ doanh nghiệp công nghệ, đại diện thành viên nhóm nhiệm vụ và tổ công nghệ số cộng đồng. Bài tham luận tiếp theo của Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số có chủ đề “Năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã/phường”. Bài tham luận đã chỉ ra tính thiết yếu của việc nâng cao năng lực số cho các cán bộ, công chức, viên chức cấp xã/phường và những năng lực số cụ thể cho đối tượng này phù hợp với giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế. Bài tham luận cũng đưa ra một số giải pháp để quá trình đào tạo năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã/phương được tiến hành một cách hiệu quả. Bài tham luận tiếp theo có chủ đề “Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong thương mại điện tử và kinh tế số ở Việt Nam” do Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương trình bày. Trong bài tham luận của mình, Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt đã chỉ ra thực trạng đào tạo nhân lực số nói chung và trong ngành TMĐT nói riêng ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực số dành cho các địa phương biên giới. Kết thúc phần trình bày tham luận là bài trình bày “Phát triển nhân lực số tại Việt Nam: bối cảnh, chính sách thúc đẩy và tiềm năng tối ưu hóa nguồn lực sau Nghị quyết 57-NQ/TW” của Bà Lê Minh Anh, Bộ TT&TT. Giống như bài tham luận trước đó, bài trình bày đã chỉ ra những thách thức, khó khăn đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong việc phát triển nhân lực số tại Việt Nam gắn với những mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW, từ đó đưa ra một số dự báo về những điều chỉnh chính sách lớn liên quan đến giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ trong tương lai, những điểm mà nhóm nhiệm vụ cũng cần phải lưu ý để đưa ra mô hình các giải pháp một cách cập nhật nhất.

Tiếp theo chương trình của hội thảo là phần thảo luận do PGS, TS Hoàng Xuân Bình chủ trì. Phần thảo luận đã nhận được những ý kiến đóng góp sôi nổi đến từ đại diện Sở TT&TT, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh, đại diện UBND huyện Hải Hà và các đại biểu tham gia hội thảo. Các ý kiến đóng góp tập trung vào việc bộ tài liệu bên cạnh các nội dung chung thì cũng cần được chuyên biệt hóa cho các nhóm đối tượng đặc biệt như đồng bào dân tộc, người nông dân, người ngư dân là những nhóm đối tượng rất khó tiếp thu các hoạt động tập huấn nhưng cũng là các nhóm đối tượng cần thiết phải có những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số để không bị bỏ lại phía sau theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. PGS, TS Hoàng Xuân Bình điều hành phiên thảo luận ghi nhận những góp ý đến từ các đại biêu tham gia hội thảo và cho biết sau khi bộ tài liệu được áp dụng để đào tạo cho người dân một xã, sẽ tiếp tục được hoàn thiện để áp dụng một cách phù hợp cho các đơn vị hành chính cấp xã khác thuộc 3 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh.

Tổng kết hội thảo, PGS, TS Hoàng Xuân Bình gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp… đã tham gia nhiệt tình và có những ý kiến chia sẻ rất hữu ích tại hội thảo. Nhóm nhiệm vụ sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi để xây dựng bộ tài liệu tập huấn áp dụng mô hình các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại xã/phường thuộc 03 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh một cách thực tiễn và hiệu quả nhất góp phần giúp tỉnh thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2025-2030.

Một số hình ảnh của buổi hội thảo:

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ phát biểu

khai mạc hội thảo

Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở KH&CN đại diện cho sở ban ngành và chính quyền địa phương phát biểu tại hội thảo

TS Phạm Xuân Trường, thư ký khoa học nhiệm vụ trình bày báo cáo tại hội thảo

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số trình bày tham luận tại hội thảo theo hình thức trực tuyến

Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương trình bày tham luận tại hội thảo theo hình thức trực tuyến

Bà Lê Minh Anh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT trình bày tham luận tại hội thảo theo hình thức trực tuyến

PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ chủ trì phiên thảo luận

 

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó giám đốc Sở Thông tin & truyền thông

tham gia phiên thảo luận

Đại diện Sở LĐTB&XH tham gia phiên thảo luận

Đại diện UBND Huyện Hải Hà tham gia phiên thảo luận

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận