Ngày 6/12/2024 trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh Quảng Ninh về “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế làm chủ nhiệm, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại 03 huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh”. Hội thảo được tổ chức hai phiên với các bài tham luận trình bày về các nhân tố tác động đến chất lượng nguồn nhân lực 03 huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh, từ đó đưa ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện của địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các đại biểu: Ông Lâm Văn Phong, trưởng phòng QLKH, sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh; Bà Hoàng Thu Thảo Trưởng phòng phát triển sản phẩm, Tập đoàn công nghệ giáo dục Onschool cùng đại diện các sở ban ngành và 03 huyện/thành phố phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Về phía các diễn giả, hội thảo có sự tham gia trực tuyến của PGS, TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với sự tham gia trực tiếp của Ông Hoàng Đình Nam, Giám đốc điều hành Raiza Express và TS Phạm Xuân Trường, giảng viên Khoa KTQT cũng là thư ký khoa học của nhiệm vụ. Về phía trường Đại học Ngoại thương có sự tham gia của PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, chủ nhiệm nhiệm vụ; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, phó trưởng Khoa Kinh tế quốc tế; TS Hoàng Thị Hòa, trưởng Khoa Tiếng Anh chuyên ngành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tất cả các địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số. Đối với các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh, các giải pháp phát triển nguồn nhân lực cần có tính đặc thù xét tới đặc điểm về địa lý, nhân khẩu và điều kiện kinh tế của các địa phương. PGS, TS Hoàng Xuân Bình hy vọng các bài tham luận trình bày trong hội thảo cùng với sự góp ý của các chuyên gia sẽ giúp cho nhóm thực hiện nhiệm vụ đề xuất những giải pháp hữu ích dành cho đối tượng là các đơn vị hành chính cấp xã thuộc 03 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh chuyển đổi số.
Mở đầu hội thảo, TS Phạm Xuân Trường trình bày tham luận với chủ đề “Thể chế và chất lượng nguồn nhân lực: nghiên cứu tại các huyện tỉnh Quảng Ninh”. Bài tham luận đã trình bày thực trạng về chất lượng thể chế và chất lượng nguồn nhân lực hiện tại của tỉnh Quảng Ninh nói chung và các huyện thuộc tỉnh nói riêng. Bằng phương pháp chỉ số và phân tích tương quan giữa hai biến chất lượng thể chế và thu nhập bình quân đầu người đại diện cho chất lượng nguồn nhân lực thông qua đường xu hướng, bài tham luận đã chỉ ra mức độ tương quan dương giữa chất lượng thể chế và chất lượng nguồn nhân lực ở các huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh với một ngoại lệ của thành phố Móng Cái. TS Phạm Xuân Trường kết luận bài tham luận với hàm ý chính sách cho rằng các huyện tỉnh Quảng Ninh đặc biệt là các huyện khu vực biên giới với một số thế mạnh nhất định cần sử dụng chuyển đổi số như một công cụ hữu hiệu để cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bài tham luận tiếp theo của Ông Hoàng Đình Nam có chủ đề “Những vấn đề đặt ra với nguồn nhân lực ngành Logistics trong bối cảnh chuyển đổi số” lại khai thác chủ đề phát triển nguồn nhân lực theo ngành hẹp trong nền kinh tế. Với các lợi thế tự nhiên, Ông Hoàng Đình Nam khẳng định các huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh có lợi thế về dịch vụ logistic. Tuy nhiên để phát triển dịch vụ này thì bên cạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì các huyện này cần phải đầu tư đội ngũ nhân lực logistic đáp ứng những yêu cầu nhất định của ngành trong bối cảnh chuyển đổi số. Kết thúc phiên tham luận là phần trình bày trực tuyến nghiên cứu “Chất lượng tăng trưởng tỉnh Quảng Ninh” của PGS, TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong bài tham luận của mình, PGS, TS Bùi Văn Huyền đã chỉ ra những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh nhưng bên cạnh đó cũng là những hạn chế, thách thức của mô hình tăng trưởng hiện nay. Và một trong những thách thức nổi bật đó là chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương trong thời gian tới. Với những tiềm năng và lợi thế nổi bật của tỉnh (du lịch, hạ tầng đồng bộ, vị trí địa lý thuận lợi), PGS, TS Bùi Văn Huyền đã có những gợi mở hữu ích về phát triển nguồn nhân lực tận dụng những thành tựu của công cuộc số hóa nền kinh tế trong những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế.
Phần thảo luận được tiến hành vào phiên chiều do PGS, TS Hoàng Xuân Bình chủ trì. Phần thảo luận đã nhận được những ý kiến đóng góp sôi nổi đến từ Ông Lâm Văn Phong, trưởng phòng QLKH, sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh; Bà Hoàng Thu Thảo Trưởng phòng phát triển sản phẩm Tập đoàn công nghệ giáo dục Onschool và TS Phạm Hương Giang, giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế. Dưới góc độ đại diện địa phương, Ông Lâm Văn Phong đồng ý với đánh giá của PGS, TS Nguyễn Văn Huyền về thực trạng nguồn nhân lực của Quảng Ninh và coi đây là nút thắt cần sớm được giải quyết. Bà Hoàng Thu Thảo dưới góc độ quản lý của một công ty công nghệ giáo dục cho rằng, chuyển đổi số mang đến cơ hội rất tốt cho tỉnh Quảng Ninh phát triển đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Bà Hoàng Thu Thảo từ đó cũng mong tỉnh sớm có những chính sách cụ thể để khuyến khích hoạt động học tập trực tuyến, học tập kết hợp. PGS, TS Hoàng Xuân Bình điều hành phiên thảo luận cho rằng các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh đều có nội lực nhất định về cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý, bây giờ là lúc tỉnh cần tập trung đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố giúp tăng trưởng bền vững trong dài hạn. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cũng cho biết sắp tới nhóm đề tài sẽ phối hợp cùng các công ty công nghệ số xây dựng một mô hình đào tạo các kiến thức, kỹ năng số cho người dân và dự kiến sẽ áp dụng một xã ở Bình Liêu. Mô hình này sẽ được triển khai dưới dạng một ứng dụng sử dụng trên các thiết bị điện tử nhằm giúp người dân nâng cao thói quen về chuyển đổi số, có nơi thực hành các kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số một cách thường xuyên và quan trọng nhất là người dân sẽ thấy được lợi ích từ việc tham gia vào nền kinh tế số thông qua giao dịch điện tử, thương mại điện tử.
Tổng kết hội thảo, PGS, TS Hoàng Xuân Bình gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp… đã tham gia nhiệt tình và có những ý kiến chia sẻ rất hữu ích tại hội thảo. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi để xây dựng mô hình đào tạo các kiến thức, kỹ năng số được đề cập ở trên nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh, góp phần giúp tỉnh thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2025-2030.
Một số hình ảnh của buổi hội thảo:
Các đại biểu tham dự phiên sáng của hội thảo
Các đại biểu tham dự phiên chiều của hội thảo
PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ phát biểu
khai mạc hội thảo
TS Phạm Xuân Trường, giảng viên Khoa KTQT, thư ký khoa học nhiệm vụ trình bày
tham luận tại hội thảo
Ông Hoàng Đình Nam, Giám đốc điều hành NRS – Raiza Express trình bày tham luận
tại hội thảo
PGS, TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện kinh tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận trực tuyến tại hội thảo
PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ chủ trì phiên thảo luận
Các đại biểu tham gia trực tuyến phát biểu trong phiên thảo luận
ThS Lâm Văn Phong, trưởng phòng QLKH, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh phát biểu trực tuyến tại phiên thảo luận
TS Phạm Hương Giang, giảng viên Khoa KTQT đặt câu hỏi tại phiên thảo luận
PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ tổng kết hội thảo