HỘI THẢO: THE FOURTH INDUSTRIAL REVOLUTION: OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR ENTERPRISES IN VIETNAM

GS Klaus Schawab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, người đã đưa ra khái niệm Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã khẳng định “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất cứ điều gì mà con người từng trải qua”.

Nhận thức được xu hướng này, ngày 13/06/2017, tại phòng hội thảo Liên Việt, Trường Đại học Ngoại Thương đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “The fourth industrial revolution: opportunities and challenges for enterprises in Vietnam”. Buổi hội thảo là nơi các nhà nghiên cứu, các giảng viên chia sẻ nghiên cứu của mình và các kiến thức liên quan đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ và tác động của nó tới doanh nghiệp, từ đó mở ra cơ hội hợp tác và những hướng nghiên cứu mới trong tương lai.

Tham dự buổi hội thảo, về phía khách mời có TS Michael Palmer đến từ ĐH RMIT (Úc). Về phía Trường Đại học Ngoại Thương có Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS, TS Bùi Anh Tuấn; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS, TS Đào Thị Thu Giang; Phó Hiệu trưởng Nhà Trường, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy cùng các trưởng phó đơn vị trong trường. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của những cán bộ giảng viên và các bạn sinh viên quan tâm. Về phía Ban Tổ chức có sự xuất hiện của Trưởng Khoa KTQT, PGS, TS Từ Thúy Anh; Phó trưởng Khoa KTQT, PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đã chỉ ra tầm quan trọng của việc nắm bắt và vận dụng thành công các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào nền kinh tế nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh Chính phủ cũng thấy được tầm quan trọng của cuộc cách mạng này và sớm có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp trong đó có định hướng phát triển các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng làm chủ công nghệ mới. PGS, TS Bùi Anh Tuấn hy vọng, hội thảo lần này sẽ mở đầu cho một loạt những hoạt động nghiên cứu khác của Nhà trường liên quan đến chủ đề cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Mở đầu buổi hội thảo là bài trình bày của Ths Nguyễn Thị Minh Thư “Is Industry 4.0 reshaping the economy”. Bài trình bày đã mang đến cái nhìn tổng quan về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cùng với những tác động tích cực và tiêu cực của nó tới nền kinh tế. Về cơ bản, trong dài hạn khi nền kinh tế có đủ thời gian để thích ứng, cuộc cách mạng công nghệ lần này sẽ tạo ra tác động tích cực rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo là bài trình bày “Testing disability determination procedures for social protection programs in Vietnam” của TS Michael Palmer. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới (chính sách y tế) so với lĩnh vực nghiên cứu truyền thống của các giảng viên ĐH Ngoại Thương. Tuy không trực tiếp đề cập đến cuộc cách mạng 4.0 nhưng qua bài nghiên cứu này, các nhà khoa học tiếp tục thấy được tiềm năng của cách mạng công nghệ 4.0 trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Để làm chủ được thành công công nghệ trong cuộc cách mạng lần này, yếu tố con người đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bài trình bày ngay sau đó của Ths Nguyễn Tùng Lâm “Improve the Vietnamese workforce’s professional qualities in the context of The Fourth Industrial Revolution” đã chỉ ra những phẩm chất và kỹ năng cần phải có để lao động Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Cuối cùng, dưới góc độ vi mô, bài trình bày “Internet of things: opportunities for the logistic sector in Vietnam” của Ths Nguyễn Thúy Quỳnh đã phân tích những công nghệ cụ thể mà ngành logistic Việt Nam có thể khai thác để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Bài nghiên cứu cũng gợi mở một số công nghệ hiện đại có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực của cả nền kinh tế.

Các bài trình bày tại hội thảo đã góp phần tăng cường hiểu biết trong đội ngũ các nhà khoa học và các em sinh viên về chủ đề cách mạng công nghiệp và tác động của nó tới các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời hội thảo cũng đưa ra những gợi ý, giải pháp giúp cho doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như người lao động tận dụng thành công những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Hội thảo cũng là tiền đề để các nhà khoa học có chung ý tưởng có thể gặp gỡ trao đổi nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu trong tương lai.