HỘI THẢO “INDUSTRIALIZATION WITH INCLUSIVE AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT”

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang có sự thay đổi rõ rệt với những yếu tố tích cực (công nghệ hiện đại) đan xen với những yếu tố tiêu cực (biến đổi khí hậu), phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững và bao hàm đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuyên bố Lima 2013 của Liên Hợp Quốc đã đưa ra những tầm nhìn và hành động cụ thể cho quá trình công nghiệp hóa gắn với phát triển bền vững và bao hàm. Trên thực tế, các quốc gia theo đuổi những chính sách công nghiệp hóa truyền thống đặc biệt là các nước đang phát triển cũng đã cho thấy những sự thay đổi chính sách ban đầu để phù hợp với tình hình mới.. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề trên đối với nền kinh tế Việt Nam, vào ngày 11/11/2019 Trường Đại học Ngoại Thương đã tổ chức buổi hội thảo “Industrialization with inclusive and sustainable development”. Hội thảo được tổ chức đúng dịp kỷ niệm thành lập 10 năm Khoa Kinh tế Quốc tế, vì vậy đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà kinh tế trong và ngoài trường đặc biệt là từ các giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế (đóng góp hơn 90% tham luận tại hội thảo)

Buổi hội thảo được tổ chức thành hai phiên: phiên tổng thể diễn ra tại D201 vào buổi sáng và phiên song song diễn ra đồng thời tại 4 phòng seminar tầng 11 nhà A vào buổi chiều. Trong phiên tổng thể, các giáo sư đến từ Ý, Ba Lan, Canada và Pháp đã trình bày khung lý thuyết cơ bản của chính sách phát triển công nghiệp và sự cần thiết phải thay đổi chính sách công nghiệp truyền thống để thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế. Các giáo sư cùng những khách mời đặt câu hỏi đều nhất trí rằng để công nghiệp hóa vẫn là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh mới thì công nghiệp hóa cần được hoạch định theo hướng bền vững và bao trùm trong đó đặc biệt tập trung phát triển nguồn lực con người. Tuy nhiên với bối cảnh cuộc CMCN 4.0 thì yêu cầu về nguồn lực con người cho công cuộc công nghiệp hóa cũng rất cao. Điều này đặt ra những thách thức rất to lớn đối với mọi quốc gia đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam
Chuyển sang phiên song song vào buổi chiều. Các bài tham luận trình bày trong hội thảo được chia thành bốn nhóm chủ đề tương ứng đó là: phiên 1 ENHANCING HUMAN RESOURCES do GS Tran Thi Anh Dao, nghiên cứu viên cao cấp của IRASEC-USR làm chủ tọa, phiên 2 CREATING SHARED PROSPERITY do GS Yves Tiberghien đến từ ĐH British Columbia làm chủ tọa , phiên 3 SAFEGUARDING THE ENVIRONMENT do PGS Từ Thúy Anh trưởng Khoa KTQT làm chủ tọa, phiên 4 ADVANCING ECONOMIC COMPETITIVENESS do GS Robert Boyer đến từ Institute of the Americas, France làm chủ tọa. Cả 4 phiên thảo luận đều là những chủ đề trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa gắn với bền vững và bao hàm: nguồn nhân lực, môi trường, chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các phiên thảo luận song song không chỉ thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các giảng viên Khoa KTQT và các đơn vị khác trong trường mà còn có sự theo dõi của các bạn sinh viên cho thấy tính thiết thực của chủ đề hội thảo cũng như mức độ quan tâm của công chứng tới phát triển bền vững và bao hàm.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa KTQT cho thấy phần nào thế mạnh NCKH và HTQT của Khoa KTQT. Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp đồng thời mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực hoạch định chính sách dành cho các nhà khoa học, giảng viên và các em sinh viên.