HỘI THẢO HYPER – GLOBALIZATION: PERSPECTIVES FROM JAPAN AND VIETNAM

Vào sáng ngày 30/10/2018 tại phòng hội thảo quốc tế Liên Việt A1001 tại nhà A, trường Đại học Ngoại Thương đã diễn ra Hội thảo “Hyper-globalization: perspectives from Japan and Vietnam”. Hội thảo nằm trong một chuỗi các sự kiện hợp tác giao lưu văn hóa, kinh tế, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Hội thảo được tổ chức cũng nhằm hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương (2009 – 2019). Đến tham dự hội thảo, về phía trường Đại học Ngoại Thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng nhà trường; PGS, TS Đào Thu Giang, phó bí thư đảng ủy, phó hiệu trưởng nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam, trưởng Phòng quản lý khoa học; PGS, TS Hoàng Xuân Bình, trưởng Khoa đào tạo tại chức; TS Phùng Mạnh Hùng, trưởng Phòng quản lý dự án; PGS, TS Từ Thúy Anh, trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, phó trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế cùng toàn thể các giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế. Về phía đoàn Nhật Bản có GS Takashi Inoue đến từ Đại học Kyoto, đồng thời là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Inoue PR; Bà Okada Yoshiko Trưởng đại diện văn phòng JASSO tại Việt Nam.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Trong bài phát biểu của mình, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đánh giá cao chủ đề của hội thảo, đặc biệt đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình trao đổi hàng hóa, thông tin và thậm chí là cả những yếu tố văn hóa, chính trị giữa các nước trên thế giới. PGS, TS Bùi Anh Tuấn hy vọng những chia sẻ của các diễn giả, các nhà khoa học trong hội thảo lần này sẽ giúp các thày cô, các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về thế giới siêu toàn cầu hóa mà chúng ta đang sống cũng như những tác động của siêu toàn cầu hóa tới hoạt động của các quốc gia, các tổ chức, các công ty và mỗi cá nhân chúng ta.

Sau bài phát biểu khai mạc của PGS, TS Bùi Anh Tuấn, PGS, TS Từ Thúy Anh đại diện cho Khoa Kinh tế Quốc tế, đơn vị tổ chức hội thảo cảm ơn sự giúp đỡ của các đối tác Nhật Bản trong suốt quá trình hoạt động của Khoa và hy vọng sự hợp tác này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa trong tương lai. PGS, TS Từ Thúy Anh cũng là chủ tọa cho phần trao đổi tiếp theo.

Mở đầu cho phần trao đổi của buổi hội thảo, GS Takashi Inoue với bài trình bày “Public relations in Hyper-globalization: Essential Relationship Management – A Japan perspective” đã khái quát chi tiết về khái niệm toàn cầu hóa và siêu toàn cầu hóa. Sau đó, GS phân tích về vai trò của hoạt động PR đối với các tổ chức trong bối cảnh siêu toàn cầu hóa, trong đó nổi bật vai trò của các công nghệ mới như IoT, AI. GS cũng gợi ý một số cách thức quản lý hoạt động PR dựa trên những kinh nghiệm của các công ty Nhật Bản. Bài trình bày tiếp theo đến từ Ths Nguyễn Thị Minh Thư, Khoa Kinh tế Quốc tế với đề tài “Linkages between FIE and local firms: the case of Vietnam”. Trong bài thuyết trình của mình, Ths Nguyễn Thị Minh Thư đã đi từ cơ sở lý thuyết về động lực dẫn đến quyết định sử dụng nguồn của các hãng tới quyết định liên kết giữa các hãng theo chiều ngang cũng như chiều dọc. Ngoài ra, bài thuyết trình cũng đánh giá tác động của toàn cầu hóa tới việc hình thành liên kết giữa các hãng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Kết luận của bài thuyết trình cũng rất đáng chú ý đó là tại Việt Nam đã bắt đầu hình thành những liên kết giữa các doanh nghiệp nhưng chủ yếu là giữa các doanh nghiệp nước ngoài với nhau, liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế và chính phủ bằng những chính sách công nghiệp hợp lý của mình có thể thúc đẩy được mối liên kết còn lỏng lẻo này. Bài thuyết trình cuối cùng đến từ TS Cao Thị Hồng Vinh, Khoa sau đại học với chủ đề “Remittances, real exchange rate and the Dutch disease in Asian Developing countries”. Bài thuyết trình giới thiệu một trong những vấn đề rất thú vị trong kinh tế phát triển đó là “Căn bệnh Hà Lan”. “Căn bệnh Hà Lan” xuất phát từ một vấn đề của nền kinh tế Hà Lan trong thế kỷ trước nhưng về sau rất nhiều nước gặp phải đó là khi vì một lý do nào đó (thường là do quốc gia bất ngờ phát hiện một nguồn tài nguyền dồi dào có thể xuất khẩu) xuất khẩu của một quốc gia đột nhiên tăng mạnh khiến tỷ giá hối đoái tăng (đồng nội tệ tăng giá) cộng với thu nhập tăng trong nước khiến người dân tập trung tiêu dùng nhiều cho các hãng sản xuất trong nước dẫn đến lĩnh vực xuất khẩu của quốc gia này ngày càng trở nên kém cạnh tranh. Bài thuyết trình đã sử dụng mô hình hồi quy định lượng S-GMM để đánh giá ảnh hưởng của dòng tiền ngoại hối, ODA và các biến số ảnh hưởng truyền thống như lãi suất, thu nhập tới tỷ giá thực (REER). Kết quả phân tích cho thấy ở các nước trong khu vực châu Á tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận có ý nghĩa giữa giá trị dòng tiền ngoại hối và tỷ giá, chứng tỏ căn bệnh Hà Lan có xảy ra ở các nước châu Á khi công dân quốc gia này gửi một lượng ngoại tệ rất lớn từ nước ngoài về.

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần hỏi đáp rất sôi nổi đến từ giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế. Các câu hỏi tập trung làm rõ khái niệm cũng như đặc điểm của siêu toàn cầu hóa tới các hoạt động kinh tế. Ngoài ra, các diễn ra cũng trình bày một số luận điểm liên quan đến kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam trong bối cảnh siêu toàn cầu hóa.

Hội thảo “Hyper-globalization: perspectives from Japan and Vietnam” kết thúc thành công, để lại nhiều ấn tượng đẹp cho các vị khách mời, các thày cô và các em sinh viên. Trong tương lai, Khoa Kinh tế Quốc tế sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm với đề tài tương tự để các nhà khoa học trong và ngoài khoa trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm, các bạn sinh viên mở mang kiến thức cũng như hướng tới sự kiện quan trọng, kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Kinh tế Quốc tế.

Sau buổi lễ, các quý vị đại biểu cùng các thày cô giáo và các em sinh viên cùng nhau tiếp tục tham dự buổi trình diễn văn nghệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tiết mục biểu diễn đàn Koto bên phía Nhật Bản do nghệ sĩ đàn Kaoru Mahoroba cùng các đồng nghiệp biểu diễn. Tiếp theo tiết mục văn nghệ là lễ trồng cây hoa anh đào ở sân trước VJCC, đánh dấu một cột mốc hợp tác nữa giữa các đối tác Nhật Bản và trường Đại học Ngoại Thương. Hai bên kỳ vọng những hợp tác giữa các đối tác Nhật Bản và trường Đại học Ngoại thương sẽ đem đến những trái ngọt giống như cây anh đào được ươm từ hôm nay và nở hoa rực rỡ trong tương lai.