HỘI THẢO “GREEN ECONOMY TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT”

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hạn hán, mất mùa đang là những vấn đề đáng chú ý của thế giới trong vài thập kỷ trở lại đây.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng trên, một trong số đó được nhiều nhà khoa học đã chỉ ra là do mô hình tăng trưởng hiện nay của các nước trên thế giới. Mô hình tăng trưởng sử dụng không hiệu quả các nguồn lực thiên nhiên tất yếu sẽ dẫn tới việc thay đổi kết cấu bền vững của môi trường. Tăng trưởng theo hướng đó chính là sự đánh đổi giữa tăng trưởng trong tương lai với các nguồn lực tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, xây dựng một nền kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững đang là một nhu cầu tất yếu.

Nhận thức được xu hướng này, ngày 09/06/2015, Khoa Kinh tế Quốc tế Trường Đại học Ngoại Thương đã phối hợp với Trường Đại học Mie của Nhật Bản tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Green Economy Towards Sustainable Development” (Nền kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững). Buổi hội thảo là nơi các nhà khoa học trao đổi các nghiên cứu của mình nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về nền kinh tế xanh và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt Nam. Tham gia dự buổi hội thảo, về phía trường Ngoại Thương có sự xuất hiện có Hiệu trưởng nhà trường PGS, TS Bùi Anh Tuấn cùng với lãnh đạo của nhiều đơn vị trong trường; về phía Trường Đại học Mie có sự xuất hiện của giáo sư Mori Hisatsuna Trưởng Khoa Nhân văn, Luật và Kinh tế. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đánh giá cao chủ đề của hội thảo đồng thời nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của nghiên cứu khoa học trong hoạt động của Nhà trường đặc biệt trong bối cảnh Trường Ngoại Thương được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm cơ chế tự chủ giai đoạn 2015 – 2017. PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định trong thời gian tới nhà trường sẽ có nhiều chính sách để phát triển hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên.

Nội dung của buổi hội thảo được chia làm hai phần. Phần mở đầu có nội dung về sự thích ứng của khu vực tư nhân cho một nền kinh tế xanh. Trong phần này, GS Mori Hisatsuna đã trình bày tham luận “The cycling of food by-products as feed by sustainable livestock industries – focus on the function of a co-operation organization to meet demand and adjust supply“ về hoạt động tái sử dụng phế phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc tại Nhật Bản. Tiếp theo, PGS, TS Từ Thúy Anh trình bày tham luận “Trade and environment linkages: The case of Vietnam coal imports” về thực trạng nhập khẩu than của Việt Nam và tác động của hoạt động này tới môi trường. Phần hai của hội thảo tập trung thảo luận về các chính sách trong thực tế nhằm hướng nền kinh tế tới tăng trưởng xanh. Trong phần này, hội thảo đã lắng nghe hai tham luận của Ths Hoàng Bảo Trâm về chủ đề “On the relationship between CO2 emissions and economic growth: Be rich or not be rich?” và Ths Trần Thị Minh Nguyệt về chủ đề “Economic drivers of deforestation in Vietnam, policy implications toward green economy”

Các tham luận, trao đổi tại hội thảo đã góp phần tăng cường hiểu biết trong đội ngũ các nhà khoa học và các em sinh viên về nền kinh tế xanh hướng tới tăng trưởng bền vững. Đồng thời hội thảo cũng đưa ra những gợi ý chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu trên. Hội thảo cũng là tiền đề để các nhà khoa học có chung đề tài có thể gặp gỡ trao đổi nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu trong tương lai.