Vào ngày 3/1/2025, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Bộ tiêu chí đánh giá các nhân tố thúc đẩy, cản trở phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số” tại phòng hội thảo A901, Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) nhằm trình bày và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về bộ tiêu chí đánh giá các nhân tố thúc đẩy, cản trở phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số, từ đó làm căn cứ để đưa ra các khuyến nghị chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số phù hợp với tình hình của địa phương. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế (KTQT), trường ĐHNT làm chủ nhiệm.
Về phía chính quyền, sở ban ngành tỉnh Quảng Ninh, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của đại diện Sở KH&CN, Sở LĐTB&XH, Sở NN&PTNT, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở TT&TT, UBND huyện Bình Liêu, UBND huyện Hải Hà và UBND thành phố Móng Cái.
Về phía các đơn vị ngoài trường, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của của PGS, TS Bùi Văn Huyền, viện trưởng viện kinh tế, học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ tịch tập đoàn giáo dục Trí Cường; Ông Nguyễn Tùng Lâm, giám đốc công ty trường học trực tuyến, Onschool; Ông Nguyễn Nghĩa Vương, chủ tịch kiêm giám đốc công ty cổ phần công nghệ kỹ thuật số Vibook; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, vụ thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ công thương; Bà Nguyễn Ngọc Hân, tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT. Về phía trường ĐHNT, tọa đàm có sự tham gia trực tiếp của PGS TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ; TS Lương thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa KTQT; TS Hoàng Thị Hòa, Trưởng Khoa Tiếng Anh chuyên ngành; TS Phạm Xuân Trường, thư ký khoa học nhiệm vụ, diễn giả trình bày tham luận tại tọa đàm. Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài trường cùng các thầy cô là thành viên của nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh việc tìm hiểu các nhân tố thúc đẩy, cản trở hoạt động phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số là đặc biệt cần thiết để có thể đưa ra mô hình giải pháp phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Riêng đối với Quảng Ninh, tại các huyện/thành phố khu vực biên giới, các giải pháp phát triển nguồn nhân lực cần phải tính đến chiến lược phát triển kinh tế gắn với nền kinh tế số có trọng tâm là biên giới số, cửa khẩu số. Thông qua tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để giúp nhóm hoàn thiện bộ tiêu chí dành riêng cho các huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, từ đó có thể lựa chọn mô hình giải pháp và địa phương áp dụng phù hợp nhất.
Trong nội dung tham luận, TS Phạm Xuân Trường thư ký nhiệm vụ đã trình bày nghiên cứu về bộ tiêu chí đánh giá các nhân tố thúc đẩy, cản trở hoạt động phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số. Dựa trên các nghiên cứu đi trước, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và tiến hành phân tích sơ bộ các nhân tố khẳng định (EFA), nhóm các nhân tố vĩ mô được nhóm nghiên cứu đề xuất để xác định các nhân tố thúc đẩy, cản trở hoạt động phát triển nguồn nhân lực bao gồm: nhóm nhân tố thể chế, nhóm nhân tố kinh tế, nhóm nhân tố xã hội, nhóm nhân tố công nghệ. Trong đó nhóm nhân tố thể chế có 9 nhân tố thành phần, nhóm nhân tố kinh tế có 8 nhân tố thành phần, nhóm nhân tố xã hội có 13 nhân tố thành phần, nhóm nhân tố công nghệ có 9 nhân tố thành phần. Các nhân tố thành phần đều được đánh giá theo thang đo Liker 5 mức độ. Nhóm đề tài dự kiến sau khi xử lý số liệu khảo sát cấp xã, bộ tiêu chí sẽ được tổng hợp theo phương pháp chỉ số với 4 bước, trong đó các chỉ số thành phần được tính từ bộ tiêu chí sẽ được xếp hạng với giá trị lớn hơn 3 được coi là nhân tố thúc đẩy, giá trị nhỏ hơn 3 được coi là nhân tố cản trở.
Kết thúc phần trình bày tham luận, diễn giả, khách mời đã trao đổi rất sôi nổi về chủ đề của tọa đàm. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cho rằng khi tiến hành khảo sát việc đặt câu hỏi theo thang đo Likert 5 cấp độ cho các nhân tố thành phần thuộc các lĩnh vực khác nhau cần phải thống nhất để đảm bảo thang đo có ý nghĩa. Đồng thời PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh có rất nhiều cách để xây dựng và tính toán bộ tiêu chí và nhóm nghiên cứu rất mong các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp thêm ý kiến cho nhóm. TS Phạm Hương Giang cho rằng nhóm có thể tiến hành phân tích PCA để gộp các nhân tố thành phần vào những nhóm chuyên biệt áp dụng cho một số xã tương đồng để tìm ra những kết quả mới. TS Vũ Thị Phương Mai gợi ý nhóm nghiên cứu có thể thử nhiều cách tính toán chỉ số khác nhau rồi so sánh thống kê xem chỉ số nào phù hợp hơn, ngay cả việc chọn tính toán chỉ số với cách bình quân gia quyền cũng có thể áp dụng tính trọng số bằng nhau hoặc trọng số khác nhau cho các giá trị thành phần. TS Hoàng Huệ Chi cho rằng cần phải có thời gian nhất định sau khi dựa trên bộ tiêu chí áp dụng mô hình giải pháp tại một địa phương nhất định mới có thể kiểm chứng được tác động thực sự của các giải pháp, từ đó gợi ý nhóm có thể tiến hành các hoạt động nghiên cứu kéo dài kể cả khi thời gian thực hiện nhiệm vụ kết thúc. Tổng kết phần thảo luận, PGS, TS Hoàng Xuân Bình đánh giá cao đóng góp của các đại biểu tham gia tọa đàm và cam kết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để từ đó đưa ra bộ tiêu chí đánh giá phù hợp nhất cho 3 huyện/thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, từ đó đề xuất mô hình giải pháp hiệu quả dành cho địa phương.
Tọa đàm kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách mời, nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Các đại biểu tham gia tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm
TS Phạm Xuân Trường trình bày tham luận tại tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình điều hành phiên thảo luận
Đại biểu tham gia tọa đàm tham gia phần thảo luận
Toàn cảnh buổi tọa đàm