TỔNG KẾT TỌA ĐÀM “DỰ BÁO NHU CẦU VÀ ĐÁNH GIÁ BIẾN ĐỘNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI 3 HUYỆN THÀNH PHỐ BIÊN GIỚI TỈNH QUẢNG NINH”

Vào ngày 24/12/2024, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Dự báo nhu cầu và đánh giá biến động nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại 3 huyện thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh” tại phòng hội thảo A901, Trường Đại học Ngoại thương  (ĐHNT) nhằm trình bày và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về dự báo nhu cầu và đánh giá biến động nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại 3 huyện thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh, từ đó làm căn cứ để đưa ra các khuyến nghị chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số phù hợp với tình hình của địa phương. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại các đơn vị hành chính cấp xã các huyện/thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh” do PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế (KTQT), trường ĐHNT làm chủ nhiệm.

Về phía chính quyền, sở ban ngành tỉnh Quảng Ninh, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của đại diện Sở KH&CN, Sở LĐTB&XH, Sở NN&PTNT, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở TT&TT, UBND huyện Bình Liêu, UBND huyện Hải Hà và UBND thành phố Móng Cái.

Về phía các đơn vị ngoài trường, tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của của PGS, TS Bùi Văn Huyền, viện trưởng viện kinh tế, học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ tịch tập đoàn giáo dục Trí Cường; Ông Nguyễn Tùng Lâm, giám đốc công ty trường học trực tuyến, Onschool; Ông Nguyễn Nghĩa Vương, chủ tịch kiêm giám đốc công ty cổ phần công nghệ kỹ thuật số Vibook; Ông Nguyễn Hữu Chí Đạt, vụ thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ công thương; Bà Nguyễn Ngọc Hân, tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT. Về phía trường ĐHNT, tọa đàm có sự tham gia trực tiếp của PGS TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT, chủ nhiệm nhiệm vụ; PGS TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó Trưởng Khoa KTQT; TS Lương thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa KTQT; TS Hoàng Thị Hòa, Trưởng Khoa Tiếng Anh chuyên ngành; TS Phạm Xuân Trường, thư ký khoa học nhiệm vụ, diễn giả trình bày tham luận tại tọa đàm. Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài trường cùng các thầy cô là thành viên của nhiệm vụ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động dự báo, đánh giá biến động trong việc đưa ra các khuyến nghị chính sách cho địa phương nhằm mục tiêu phát triển hiệu quả nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số. PGS, TS Hoàng Xuân Bình khẳng định tính cấp thiết của tọa đàm trong việc cung cấp luận cứ khoa học không chỉ cho các sản phẩm tiếp theo của nhiệm vụ mà còn cho một phần nội dung báo cáo về nguồn nhân lực trình tại Đại hội đảng bộ tỉnh trong thời gian sắp tới. PGS, TS Hoàng Xuân Bình hy vọng thông qua tọa đàm, nhóm đề tài sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia, nhà khoa học từ đó bổ sung, chỉnh sửa sao cho tốt nhất phần nội dung của nhiệm vụ liên quan đến dự báo nhu cầu và đánh giá nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số.

Trong nội dung tham luận, TS Phạm Xuân Trường thư ký nhiệm vụ đã trình bày tổng quan về tình hình kinh tế và thực trạng nguồn nhân lực nói chung của 3 huyện thành phố khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh chuyển đổi số. Kết quả cho thấy, mỗi một địa phương đều có thế mạnh riêng của mình, tuy nhiên xu hướng chuyển dịch cơ cấu chung đều là giảm dần tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp và tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sử dụng mô hình dự báo theo xu thế thời gian, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong giai đoạn 2025 – 20230, xu hướng chung là xu hướng tăng về dân số trừ trường hợp của thành phố Móng Cái. Đối với dân số lao động trên 15 tuổi, các dự báo đều thống nhất xu hướng giảm ở cả 3 địa phương. TS Phạm Xuân Trường lý giải điều này có thể do ba nguyên nhân, thứ nhất là do hiện tượng già hóa dân số ở Việt Nam bắt đầu có tác động rõ rệt lên cơ cấu nhân khẩu học, thứ hai do các địa phương khác làm tốt hơn trong việc thu hút lao động khiến mức di cư ròng của các địa phương đang xét đến dương và cuối cùng có thể là do tác động của chuyển đổi số khiến địa phương cần ít nhân lực hơn để hoàn thành khối lượng công việc như cũ. Ngoài ra các dự báo cho lao động trong từng lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ cũng phản ánh rõ cơ cấu kinh tế của từng địa phương. Nhìn chung ngoại trừ thành phố Móng Cái có số lao động được dự báo giảm trong giai đoạn 2025-2030 ở cả ba lĩnh vực thì Bình Liêu và Hải Hà đều có số lao động tăng dần trong 3 lĩnh vực này với mức tăng bình quân hàng năm 1-1,5%. Tổng kết bài tham luận của mình, TS Phạm Xuân Trường cho rằng dự báo xu hướng lao động ở 3 huyện thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh cho thấy những tác động nhất định của chuyển đổi số và hiện tượng già hóa dân số tới thị trường lao động. Nhu cầu về lao động trong tương lai vì thế sẽ thiên nhiều theo hướng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực thay vì số lượng và trọng tâm vẫn là các lĩnh vực có lợi thế của từng địa phương.

Kết thúc phần trình bày tham luận, diễn giả, khách mời đã trao đổi rất sôi nổi về các kết quả dự báo và đánh giá biến động nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số tại 3 huyện thành phố biên giới tỉnh Quảng Ninh. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cho rằng Quảng Ninh luôn là địa phương đi tiên phong trong phát triển kinh tế tại Việt Nam, tuy nhiên quan sát tình hình thực tế cho thấy tăng trưởng kinh tế địa phương trong đó có 3 huyện thành phố khu vực biên giới đang chững lại. Nếu nút thắt là do chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số và/hoặc già hóa dân số thì sau buổi tọa đàm hôm nay nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng đánh giá chi tiết hơn biến động nguồn nhân lực với việc phân tích tác động của từng yếu tố như chuyển đổi số, già hóa dân số lên biến động nguồn nhân lực tại các địa phương là đối tượng nghiên cứu. Ngoài ra, PGS, TS Hoàng Xuân Bình cũng nhấn mạnh vai trò của chất lượng số liệu đặc biệt là số liệu chuỗi trong việc dự báo giá trị trong tương lai và đánh giá biến động. TS Phạm Hương Giang cho rằng chủ đề nhiệm vụ đang nghiên cứu có thể phát triển thành một hướng nghiên cứu độc lập liên quan đến chuyển dịch cơ cấu lao động trong bối cảnh chuyển đổi số áp dụng cho tổng thể kinh tế địa phương hoặc tập trung vào lĩnh vực hẹp như nông nghiệp, công nghiệp hoặc dịch vụ. TS Lương Thị Ngọc Oanh đồng ý với quan điểm phát triển hướng nghiên cứu mới về chuyển dịch cơ cấu lao động, đồng thời bổ sung nhóm nghiên cứu cân nhắc gắn chuyển dịch cơ cấu lao động với các vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ môi trường. TS Hoàng Huệ Chi bổ sung thêm một nhân tố có thể tác động đến số lượng và phân bổ lao động trong tương lai đó là yếu tố đặc điểm thế hệ, một yếu tố mới mà các nghiên cứu quốc tế gần đây có xét tới. Tổng kết phần thảo luận, PGS, TS Hoàng Xuân Bình đánh giá cao đóng góp của các đại biểu tham gia tọa đàm và cam kết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để từ đó đưa ra mô hình đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số phù hợp với những dự báo trong tương lai, đồng thời sẽ chọn nơi thí điểm áp dụng mô hình là đối tượng quan sát quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong một khoảng thời gian nhất định.

Tọa đàm kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách mời, nhà khoa học, giảng viên và học viên tham gia.

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm

Các đại biểu tham gia tọa đàm

PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm

TS Phạm Xuân Trường trình bày tham luận tại tọa đàm

TS Lương Thị Ngọc Oanh tham gia phần thảo luận

TS Phạm Hương Giang tham gia phần thảo luận

TS Hoàng Huệ Chi tham gia phần thảo luận