TỌA ĐÀM “TƯ VẤN HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU SAU ĐẠI HỌC NGÀNH KINH TẾ QUỐC TẾ”

Vào ngày 10/6/2022, tại hội trường D201, Trường Đại học Ngoại thương, Khoa Kinh tế quốc tế đã tổ chức tọa đàm “Tư vấn học tập và nghiên cứu sau đại học ngành Kinh tế quốc tế” nhằm mục đích cung cấp những thông tin hữu ích, cũng như giải đáp, tháo gỡ các thắc mắc, phân vân của sinh viên và những người quan tâm về các chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Kinh tế quốc tế do Khoa quản lý.

Đến tham dự tọa đàm, về phía các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và khách mời có Ông Phan Quốc Đông, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài; TS Trần Tuấn Minh, Cán bộ Bộ Công an, cựu NCS ngành KTQT; Ông Nguyễn Mạnh Cường, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Trí Cường; Bà Phạm Thị Hường, Trưởng phòng tuyển dụng  Công ty CP Công nghệ Giáo dục Trường học trực tuyến (OnSchool); TS Nguyễn Lan Anh, Giảng viên Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, cựu NCS ngành KTQT; ThS Phạm Thị Thanh Hồng, Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương CIEM, cựu học viên chương trình MITPL; Học viên Tạ Quốc Khải, Trường Đại học Ngoại thương, học viên chương trình MIE. Về phía trường Đại học Ngoại thương có sự tham dự của TS Nguyễn Văn Cảnh, Phó Trưởng Khoa Sau Đại học; TS Hà Công Anh Bảo, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Luật; PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, TS Lương Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, cùng đông đảo các giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình đã gửi lời chào mừng và lời cảm ơn chân thành đến các quý vị đại biểu, quý vị khách quý, cùng các giảng viên và sinh viên đã đến tham dự tọa đàm. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cho biết các chương trình đào tạo của Khoa luôn có sự đổi mới, cải tiến để phù hợp với những yêu cầu mới của Bộ Giáo dục đào tạo và Nhà trường cũng như nhu cầu của học viên; chính vì vậy, tọa đàm được Khoa Kinh tế quốc tế tổ chức nhằm chia sẻ cùng sinh viên và các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp những điểm nổi bật của chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ do Khoa phụ trách, từ đó giúp cho người học và các đơn vị sử dụng lao động có được cái nhìn đa chiều về chương trình đào tạo sau đại học của Khoa, điều này phần nào cũng cho thấy các chương trình đào tạo sau đại học của Khoa đang ngày càng toàn diện và gắn kết chặt chẽ hơn nữa với nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp.

Tiếp đó, PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh đã cung cấp cho sinh viên và những người tham dự những thông tin chi tiết và hữu ích về các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ do Khoa. Đặc biệt phụ trách. PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh cũng mang đến cho tọa đàm những thông tin về chính sách ưu đãi mà Trường Đại học Ngoại thương dành cho sinh viên của trường như: tích lũy đến 15 tín chỉ chương trình cao học trong thời gian học ở bậc đại học, từ đó rút ngắn thời gian đào tạo thạc sĩ; giảm 10% học phí cho các sinh viên của trường khi trúng tuyển vào các chương trình đào tạo sau đại học trong vòng 1 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, miễn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên Trường Đại học Ngoại thương tốt nghiệp đại học trong vòng 2 năm trở lại đây. Đây đều là những ưu đãi rất mới được áp dụng từ năm nay nhằm khuyến khích các bạn sinh viên tiếp tục rèn luyện và nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, đối với các sinh viên đăng ký các chương trình đào tạo sau đại học do Khoa quản lý, Khoa sẽ hỗ trợ viết đề xuất nghiên cứu để thi tuyển vào các chương trình Thạc sĩ định hướng nghiên cứu và Tiến sĩ, hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu, cũng như tư vấn cách viết bài và đăng bài trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

Cũng trong buổi tọa đàm, các khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, các học viên và cựu học viên, cùng với đại diện Khoa Kinh tế quốc tế đã có cuộc thảo luận bàn tròn, cung cấp cho sinh viên những thông tin bổ ích về kinh nghiệm học tập bậc sau đại học, những giá trị mà các chương trình đào tạo sau đại học của Khoa mang đến cho học viên, cũng như sự phù hợp, hữu ích của các chương trình đào tạo này với các công việc thực tế. Đại diện phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Trí Cường (Du học INDEC) và bà Phạm Thị Hường – Trưởng phòng tuyển dụng  Công ty CP Công nghệ Giáo dục Trường học trực tuyến (OnSchool) đều đánh giá cao khả năng tự nghiên cứu, tìm tòi của sinh viên Đại học Ngoại thương nói chung và sinh viên, học viên của Khoa Kinh tế quốc tế nói riêng, đặc biệt sinh viên, học viên Khoa Kinh tế quốc tế có kiến thức nền tảng rất tốt, cầu tiến và ham học hỏi. Ông Phan Quốc Đông – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài cũng chia sẻ rằng sinh viên, học viên các ngành đào tạo sau đại học của khoa về kinh tế quốc tế và luật thương mại quốc tế chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, trong đó có ngành hải quan. Các sinh viên, học viên của trường Đại học Ngoại thương, trong đó có sinh viên, học viên của các chương trình đào tạo của Khoa Kinh tế quốc tế đều được đào tạo rất tốt và tiếp cận với những xu hướng mới nhất của kinh tế thế giới; chính vì vậy, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, có tới 35% cán bộ là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, trong đó có rất nhiều lãnh đạo, quản lý trong ngành. Theo ông Trần Tuấn Minh, cán bộ đến từ Bộ Công an, cựu NCS chương trình tiến sĩ Kinh tế quốc tế, chương trình đào tạo Tiến sĩ Kinh tế quốc tế có cách tiếp cận phù hợp với thị trường lao động và đáp ứng rất tốt những yêu cầu thực tiễn, đặc biệt, quá trình đào tạo tiến sĩ Kinh tế quốc tế đã giúp ông có những thay đổi lớn về tư duy, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Cũng chia sẻ tại phần thảo luận, TS Nguyễn Lan Anh – Cựu NCS chương trình tiến sĩ Kinh tế quốc tế, Giảng viên Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, ThS Phạm Thị Thanh Hồng – Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM – Cựu học viên chương trình MITPL và anh Tạ Quốc Khải – Trường Đại học Ngoại thương, học viên chương trình MIE đánh giá cao những công cụ xử lý và phân tích dữ liệu cũng như các kỹ năng mềm như sắp xếp, quản lý thời gian, thuyết trình được đào tạo tại các chương trình sau đại học của  Khoa Kinh tế quốc tế, bên cạnh việc nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu như các diễn giả khác đã chia sẻ.

Trong phần thảo luận bàn tròn, các em sinh viên cũng đã có cơ hội trao đổi trực tiếp cho các diễn giả tham gia tọa đàm. Các em sinh viên đã rất hăng hái đặt ra nhiều câu hỏi và nhận được những câu trả lời và tư vấn cụ thể, chi tiết từ các diễn giả của tọa đàm.

Buổi tọa đàm kết thúc tốt đẹp trong đó các em sinh viên tham gia đã tiếp nhận được đầy đủ thông tin về những chương trình tuyển sinh sau đại học của Khoa cũng như những thông tin hữu ích về các kiến thức và kỹ năng mà các em có thể tích lũy được thông qua các chương trình đào tạo này. Từ buổi tọa đàm, Khoa Kinh tế quốc tế hy vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên quan tâm hơn nữa về lựa chọn học tập, nghiên cứu ở bậc học sau đại học tại Trường Đại học Ngoại Thương nói chung và các chương trình cao học nói riêng của Khoa Kinh tế quốc tế.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

Các các quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể giảng viên, sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế tham dự tọa đàm

PGS, TS Hoàng Xuân Bình phát biểu khai mạc tọa đàm

PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh giới thiệu các chương trình đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế

Ông Phan Quốc Đông, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài trao đổi tại buổi tọa đàm

Các diễn giả tham gia thảo luận bàn tròn tại buổi tọa đàm

Sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả trong tọa đàm