CHUỖI CÁC TỌA ĐÀM VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU DÀNH CHO NGHIÊN CỨU SINH, CAO HỌC VIÊN VÀ SINH VIÊN KHOA KINH TẾ QUỐC TẾ

Nhằm hỗ trợ cho các bạn nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học và bổ sung kiến thức về các phương pháp và mô hình nghiên cứu, khoa Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức chuỗi các tọa đàm về phương pháp nghiên cứu vào các ngày 16/05, 17/05 và 25/05/2023. Chuỗi các tọa đàm “Quy trình nghiên cứu khoa học” lúc 18h00 ngày 16/05, “Một số định hướng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam” lúc 18h00 ngày 17/05, “Phương pháp nghiên cứu mô hình hồi quy không gian dữ liệu bảng” lúc 18h00 ngày 25/05 đã thu hút được sự tham gia của gần 200 chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên theo hình thức trực tiếp tại phòng Hội thảo Quốc tế A901 và trực tuyến trên nền tảng MS Teams. Chuỗi các tọa đàm có sự tham gia chủ trì của PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh, Phó trưởng Khoa KTQT; TS Lương Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng Khoa KTQT.
Phát biểu tại chuỗi các tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa KTQT đánh giá cao hoạt động này của Bộ môn Phương pháp nghiên cứu và Dự báo kinh tế và nhấn mạnh đây là cơ hội rất quý báu dành cho các nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên học hỏi và bổ sung kiến thức về các phương pháp và mô hình nghiên cứu. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cũng khẳng định Khoa KTQT sẽ tiếp tục tổ chức định kỳ những buổi tọa đàm về phương pháp NCKH trong tương lai để hỗ trợ tốt nhất các bạn nghiên cứu sinh, cao học viên của Khoa nói riêng và của toàn trường nói chung.
Mở đầu chuỗi các tọa đàm, NCS Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên Bộ môn Phương pháp nghiên cứu và Dự báo kinh tế, Khoa KTQT đã trình bày tham luận “Quy trình nghiên cứu khoa học”, trong đó các bước từ lên ý tưởng nghiên cứu tới câu hỏi nghiên cứu, kế hoạch nghiên cứu và thu thập dữ liệu được đề cập một cách chi tiết, khoa học. Trong buổi tọa đàm tiếp theo với chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam”, nhóm nghiên cứu sinh Lê Huyền Trang và Đỗ Minh Thu đã mở đầu với tham luận “Vai trò của đổi mới công nghệ đến giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam”. Nhóm nghiên cứu đã mô hình hóa tác động của các biến đổi mới công nghệ thể hiện thông qua số lượng bằng phát minh sáng chế lên lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, từ đó đưa ra các hàm ý chính sách về biến đổi khí hậu dành cho Việt Nam. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu sinh Cao Hải Vân, Nguyễn Hồng Quân và Đinh Thủy Tiên đã trình bày tham luận với chủ đề “Kinh nghiệm phát triển tài chính xanh trên thế giới và triển vọng cho Việt Nam”. Nhóm nghiên cứu đã giới thiệu một trong những công cụ rất hữu hiệu để phát triển công nghệ xanh trên thế giới hiện tại đó là tài chính xanh. Với việc tìm hiểu rất nhiều kinh nghiệm thực hiện tài chính xanh của các nước trên thế giới, nhóm đã đề xuất một số giải pháp cần thiết để Việt Nam phát triển tốt hơn nữa thị trường tài chính xanh trong nước trong tương lai. Chuỗi tọa đàm kết thúc với tham luận “Phương pháp nghiên cứu mô hình hồi quy không gian dữ liệu bảng” của NCS Phan Thị Thúy Hằng, giảng viên trường Đại học Thủ đô. Tác giả đã áp dụng mô hình nghiên cứu này trong việc phân tích khả năng thu hút FDI công nghệ cao ở 63 tỉnh/thành của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, xung đột giữa Nga – Ukraina và dịch bệnh Covid 19.
Nội dung của các bài tham luận nhận được rất nhiều sự quan tâm câu hỏi của các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh và cao học viên tham gia chuỗi tọa đàm. Nhờ đó, các nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên cũng nhận được rất nhiều những đóng góp quý báu của các chuyên gia, các giảng viên, các học viên trong và ngoài trường để nghiên cứu được hoàn thiện hơn trong tương lai. Qua phần thảo luận, các buổi tọa đàm đã giúp các nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên phần nào đã hiểu hơn về quy trình thực hiện một nghiên cứu khoa học, sự phát triển của kinh tế xanh tại Việt Nam và phương pháp nghiên cứu mô hình hồi quy không gian dữ liệu bảng.
Kết thúc chuỗi tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình đánh giá cao tính cấp thiết và nội dung phong phú hữu ích của các buổi Tọa đàm. PGS, TS Hoàng Xuân Bình khẳng định các giảng viên Khoa KTQT sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tốt nhất các bạn nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là hoàn thành tốt luận án, luận văn và khóa luận.
Chuỗi tọa đàm kết thúc thành công để lại ấn tượng tốt đối với các nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên. Các nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên đánh giá cao hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến của chuỗi tọa đàm và hy vọng Khoa KTQT sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ ý nghĩa dành cho các nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên trong tương lai.
Một số hình ảnh trong chuỗi Tọa đàm
PGS, TS Hoàng Xuân Bình – Trưởng khoa KTQT phát biểu và chủ trì tọa đàm “Phương pháp nghiên cứu mô hình hồi quy không gian dữ liệu bảng” ngày 25/05/2023
PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh – Phó trưởng khoa KTQT chủ trì tọa đàm “Quy trình nghiên cứu khoa học” ngày 16/05/2023
TS Lương Thị Ngọc Oanh – Phó trưởng khoa KTQT chủ trì tọa đàm “Một số định hướng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam” ngày 17/05/2023
Các đại biểu, khách mời, NCS, cao học viên tham gia chuỗi tọa đàm
Các đại biểu, khách mời, NCS, cao học viên tham gia chuỗi tọa đàm
Các đại biểu, khách mời, NCS, cao học viên tham gia chuỗi tọa đàm
NCS Nguyễn Thúy Quỳnh – Giảng viên khoa Kinh tế Quốc tế trình bày tham luận “Quy trình nghiên cứu khoa học”
NCS Phan Thị Thúy Hằng, giảng viên trường Đại học Thủ đô trình bày tham luận “Phương pháp nghiên cứu mô hình hồi quy không gian dữ liệu bảng”
NCS Cao Hải Vân – Giảng viên Học viện Ngân hàng trình bày tham luận “Kinh nghiệm phát triển tài chính xanh trên thế giới và triển vọng cho Việt Nam”
TS Vũ Thị Phương Mai phân tích và đóng góp cho bài tham luận
ThS Nguyễn Thị Hải Yến – Giảng viên khoa KTQT đặt câu hỏi cho bài tham luận
NCS Hồ Thị Hoài Thương – Giảng viên khoa Kinh tế Quốc tế đặt câu hỏi cho bài tham luận
Câu hỏi cho tham luận đến từ bạn Hoàng – trợ giảng khoa KTQT, cựu sinh viên CLC KTQT
Câu hỏi cho bài tham luận đến từ bạn Duy – học viên cao học ngành Kinh tế Quốc tế