4. Chuyên ngành Kinh tế quốc tế và chuyên ngành Kinh tế đối ngoại khác nhau thế nào (về chương trình học, về tổng quan)?

Trường Ngoại thương được thành lập vào những năm 60 của thế kỷ trước, lúc này trường trực thuộc Bộ Ngoại thương có một chuyên ngành đào tạo duy nhất là nghiệp vụ ngoại thương (nay là chuyên ngành Kinh tế đối ngoại) và nhiệm vụ rất rõ ràng là đào tạo cán bộ với chuyên môn xuất nhập khẩu phục vụ công cuộc giao thương quốc tế. Trong xu thế hội nhập, với mục tiêu phát triển trường ĐH Ngoại Thương thành một trường đa ngành, nhiều ngành đào tạo mới đã được xây dựng và phát triển tại ĐH Ngoại Thương. Các chuyên ngành mới như: Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kinh tế quốc tế,… đều có đặc điểm: vừa kế thừa các môn học truyền thống của trường Ngoại Thương, vừa học hỏi chương trình đào tạo của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

So sánh chương trình đào tạo của ngành Kinh tế quốc tế với các chương trình đào tạo chuẩn mực về Kinh tế quốc tế (International Economics) của Hoa Kỳ, Anh, Úc,… sẽ thấy mức độ tương đồng đến 80-90%. Chương trình đào tạo hiện đại, tương thích với các chương trình đào tạo trên thế giới là tính chất nổi bật của ngành Kinh tế quốc tế, giúp cho sinh viên Kinh tế quốc tế dễ dàng hơn trong quá trình tuyển dụng cũng như học trao đổi, chuyển tiếp hoặc sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) ở nước ngoài.

Chương trình Kinh tế quốc tế trang bị cho sinh viên khả năng phân tích, hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề kinh tế thuộc các lĩnh vực chuyên sâu về kinh tế quốc tế; giúp sinh viên có kiến thức để làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về kinh tế quốc tế, các định chế kinh tế – thương mại – tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình cung cấp cho sinh viên các kỹ năng phân tích định tính và định lượng, và đặc biệt là khả năng phân tích dữ liệu, dự báo để đáp ứng những yêu cầu nghề nghiệp đòi hỏi khả năng phân tích chuyên sâu trong các hoạt động kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế.