1. Chương trình học và các môn học đặc trưng của chuyên ngành KTQT là gì? Ngành KTQT có nặng về lý thuyết và toán không?

Chuyên ngành Kinh tế quốc tế (KTQT) bên cạnh trang bị kiến thức chuyên môn nền tảng còn tập trung vào các kỹ năng định lượng cần thiết để áp dụng các phương pháp mô hình hóa và dự báo nhằm đáp ứng những yêu cầu nghề nghiệp đòi hỏi khả năng phân tích chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau. Các môn học tiêu biểu của chương trình bao gồm kinh tế vi mô 1&2, kinh tế vĩ mô 1&2, kinh tế quốc tế 1&2, kinh tế lượng 1&2, dự báo trong kinh tế và kinh doanh, phân tích chi phí – lợi ích, tổ chức ngành, kinh tế chính trị quốc tế, kinh tế thông tin bất cân xứng. Những môn này được xây dựng trên cơ sở giáo trình tương đương tại các nước phát triển Anh, Pháp, Mỹ,… Các môn học này trở thành thế mạnh lớn của sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Kinh tế quốc tế trong bối cảnh phát triển không ngừng của nền kinh số tại Việt Nam và thế giới.

Các bạn sinh viên thường nghĩ học KTQT sẽ nặng về lý thuyết toán do các môn học của KTQT phần lớn là các lĩnh vực của Kinh tế học, như Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế lượng, Kinh tế quốc tế, Kinh tế phát triển, Kinh tế lượng… Nhận định này có chính xác hay không? Nền kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người và xã hội liên quan đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, và kinh tế học nghiên cứu về những nguyên lý cơ bản của nền kinh tế và cách nền kinh tế vận hành. Đúng là học về các nguyên lý thì phải có nhiều lý thuyết, nhưng quan trọng nhất là các mô hình kinh tế, tức là cách thức vận hành của nền kinh tế mà dựa vào đó các nhà kinh tế học mới phát biểu thành các nguyên lý để áp dụng ngược lại vào thực tiễn. Tất nhiên, công cụ quan trọng để đưa ra được các mô hình đó chính là kiến thức toán học, mọi vấn đề trong cuộc sống đều được giải thích bằng các thuật toán khác nhau, nhưng toán trong kinh tế học tại Việt Nam nói chung lại thường bị bỏ qua và gần như không được đưa vào chương trình học. Vì vậy, chương trình học kinh tế quốc tế sẽ trang bị đầy đủ cho các bạn sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu để phục vụ cho tư duy phân tích, công cụ định lượng, đánh giá các hoạt động kinh tế chứ không chỉ là những kiến thức định tính đơn thuần. Đây cũng là những kiến thức quan trọng cần được trang bị để chúng ta sử dụng làm nền tảng khi muốn nghiên cứu thêm về các chuyên ngành khác như Marketing, Tài chính ngân hàng hay Kế toán…